Cú hích từ một cửa điện tử cấp huyện
Chiều 14.11, UBND huyện Hoài Ân chính thức ra mắt hệ thống một cửa điện tử liên thông của huyện, mở ra một giai đoạn mới trong quá trình hiện đại hóa nền hành chính công.
Tiện nhiều bề
Để triển khai hệ thống một cửa điện tử liên thông được thuận lợi, nhất là đảm bảo yếu tố kết nối liên thông với Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, UBND huyện Hoài Ân quyết định lựa chọn phần mềm một cửa điện tử VNPT-iGate do tập đoàn VNPT cung cấp. UBND huyện chỉ đạo tiến hành khởi tạo, cấp 238 tài khoản sử dụng phần mềm cho cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức từ huyện đến xã có liên quan trong tham gia giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC). Đồng thời, tổ chức 4 lớp tập huấn hướng dẫn các bước triển khai, vận hành, sử dụng phần mềm này để thực hiện các thao tác trong việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ và trả kết quả giải quyết theo đúng quy trình quy định.
Nhân viên bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của UBND huyện Hoài Ân hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến.
Theo Phó Văn phòng HĐND&UBND huyện Hoài Ân Phạm Minh Hùng, tổng số TTHC thực hiện chuyển qua quy trình điện tử ở cấp huyện là 214 TTHC, cấp xã 75 TTHC. Bên cạnh đó, huyện đã phối hợp với VNPT Bình Định và các ngành liên quan xây dựng quy trình điện tử liên thông đối với 9 TTHC (1 TTHC liên thông xã - huyện, 1 TTHC liên thông xã - huyện - tỉnh và 7 TTHC liên thông huyện - tỉnh). Đồng thời, duy trì dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với 14 TTHC.
Ứng dụng công nghệ hiện đại
Huyện Hoài Ân đã đầu tư trụ sở mới cho bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả huyện, trên cơ sở cải tạo trụ sở cơ quan Trung tâm DS-KHHGÐ. Ngoài đảm bảo các điều kiện cơ bản, huyện còn đầu tư nhiều phương tiện hiện đại như máy tra cứu TTHC, máy quét mã vạch hồ sơ, bàn hướng dẫn nộp hồ sơ trực tuyến, hệ thống camera… Có những loại TTHC người dân chỉ cần nộp ở bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của UBND xã, hồ sơ sẽ được chuyển lên huyện, sau khi huyện duyệt thì chuyển tiếp lên Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Nhân viên tại đây sẽ xác nhận đã tiếp nhận hồ sơ, thông tin tiếp nhận được thông báo cho người dân qua Zalo.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân Nguyễn Xuân Phong cho hay, qua vận hành, hệ thống một cửa điện tử bước đầu đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Trong đó nổi bật là giảm thời gian xử lý công việc từ khâu tiếp nhận đến trả kết quả giải quyết TTHC; việc lưu trữ thông tin đảm bảo liên tục, có hệ thống; thuận lợi cho công tác thống kê báo cáo tình hình, kết quả thực hiện TTHC hằng ngày.
“Đặc biệt là công dân, tổ chức có thể theo dõi được tình hình giải quyết TTHC của mình đang ở khâu nào, quá hạn hay đúng hạn, trách nhiệm thuộc về tổ chức, cá nhân nào... Thông tin về quá trình giải quyết TTHC được minh bạch, giảm thiểu tiêu cực, tạo mọi thuận lợi trong việc rà soát, đơn giản hóa các thủ tục, giảm thời gian, chi phí cho các cơ quan hành chính nhà nước trong quá trình giải quyết công việc liên quan đến các cá nhân, tổ chức, góp phần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính”, ông Phong khẳng định.
Đảm bảo lộ trình
Ngày 19.9.2019, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND về việc triển khai xây dựng và áp dụng phần mềm một cửa điện tử trong giải quyết TTHC cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh. Chỉ sau 2 tháng, Huyện ủy, UBND huyện Hoài Ân và các cơ quan, đơn vị liên quan đã triển khai áp dụng thành công phần mềm này. Hoài Ân trở thành địa phương đầu tiên trong 11 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh chính thức đưa vào vận hành phần mềm một cửa điện tử tại UBND huyện và 12/15 đơn vị cấp xã, có thể kết nối thông suốt từ tỉnh đến cấp xã để phục vụ giải quyết TTHC thuộc phạm vi trách nhiệm thực hiện của địa phương. Theo ông Nguyễn Xuân Phong, 3 xã vùng cao còn lại là Bók Tới, Đắk Mang, Ân Sơn chưa có đường truyền internet nên khó khăn trong triển khai vận hành hệ thống phần mềm một cửa điện tử.
Đây là nỗ lực đáng ghi nhận và biểu dương huyện Hoài Ân - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Cao Thắng đánh giá - đồng thời cũng lưu ý, trong quá trình vận hành, huyện Hoài Ân cần phối hợp chặt chẽ với Văn phòng UBND tỉnh và đơn vị cung cấp phần mềm trong việc tham gia góp ý để tiếp tục hoàn thiện các chức năng, tính năng của phần mềm.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng phần mềm một cửa điện tử tại 3 đơn vị cấp xã còn lại, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ theo kế hoạch của UBND tỉnh. Tiếp tục phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai việc thu phí, lệ phí điện tử đối với các TTHC có phát sinh việc thu phí, lệ phí theo mô hình triển khai của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.
“Các địa phương cấp huyện có vướng mắc trong công tác xây dựng phần mềm một cửa điện tử cấp huyện, cấp xã cần tham khảo, học tập kinh nghiệm triển khai của huyện Hoài Ân. Từ đó tập trung nguồn lực, khẩn trương để sớm hoàn thành phần mềm một cửa điện tử cấp huyện, cấp xã đúng tiến độ theo kế hoạch của tỉnh”, ông Phan Cao Thắng nhấn mạnh.
NGUYỄN VĂN TRANG