Đầu tư nhân lực, phương tiện cho công tác cảnh báo thiên tai
Tiếp tục kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, ngày 18.11, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Đê điều, Luật Xây dựng.
Các thành viên Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận tổ ngày 18.11.
Cảnh báo thiên tai là vấn đề quan trọng nhận được nhiều sự tham gia góp ý của các đại biểu (ĐB). ĐB Đặng Hoài Tân cho rằng, thời gian qua, việc cảnh báo cho hạ nguồn các hồ thủy lợi, đập, đặc biệt là đập thủy điện chưa tốt, làm cho khu vực hạ lưu rất bị động. Sau khi xả lũ thường xảy ra thiệt hại lớn, nhất là về sản xuất nông nghiệp.
“Khi có sự cố xảy ra, các chủ hồ, đập có nhiều câu trả lời không nhất quán về thời gian, quy định, về tính kịp thời khi xả hồ bảo vệ bờ đập. Cần rà soát lại quy định về quy trình xả lũ. Chế tài xử lý phải nghiêm khắc hơn nếu không thực hiện đúng quy trình xã lũ, đúng cảnh báo. Cùng với đó là nâng cao tinh thần trách nhiệm, nhất là với ngành điện lực trong bồi thường, hỗ trợ đối với đồng bào bị thiệt hại”, ĐB Tân đề xuất.
Trong khi đó, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn lưu ý yếu tố thời tiết đã thay đổi so với quy luật trước đây. Phương tiện, con người làm công tác dự báo thiên tai phải được nâng cấp mới theo kịp sự biến đổi đó, không thể làm việc theo kinh nghiệm truyền thống.
“Khi mình không lường được, bão vào vượt quá sự chuẩn bị thì sức tàn phá, thiệt hại khủng khiếp. Ngược lại, chuẩn bị quá kỹ, bão không vào lại nảy sinh tư tưởng chủ quan, đến khi nó vào thật cũng trở tay không kịp”, ĐB Toàn nói.
ĐB Toàn nhắc lại trường hợp cơn bão số 5 vừa qua, dự báo cấp gió nhẹ, nhưng khi vào bờ thì mạnh hơn rất nhiều, cây cổ thụ cũng đổ, còn trụ điện gãy đôi, nhà tốc mái. Đến bão số 6, cảnh báo rất lớn, giật trên cấp 15. Tất cả các lực lượng quân đội, công an… đều vào cuộc ứng phó với phương tiện hùng hậu, nhưng “chờ mãi chả thấy gì”. Các hồ cũng xả để chờ lũ, nhưng thực tế không thấy mưa. Giờ đã gần hết mùa mưa, lượng nước trung bình của các hồ chỉ đạt 53%, có hồ cá biệt chỉ 17% dung tích thiết kế, dẫn đến nguy cơ thiếu nước sản xuất cho năm sau.
Liên quan đến Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai (PCTT), ĐB Huỳnh Cao Nhất dẫn nhiều số liệu cho thấy bất cập trong hoạt động thu - chi Quỹ PCTT. Tổng chi của Quỹ PCTT các cấp chỉ chiếm 42% tổng thu. Có những địa phương thu cao nhưng chưa chi đồng nào và ngược lại. Ngân sách nhà nước bố trí cho công tác PCTT thấp so với nhu cầu, việc cấp phát ngân sách này cũng rất chậm, đặc biệt là với nguồn hỗ trợ khẩn cấp cho khắc phục sự cố.
Bên cạnh đó, đóng góp cho Quỹ PCTT có tính bắt buộc, nhưng nhiều DN không nộp lại không bị xử lý, dẫn đến thu không đạt theo yêu cầu. Việc công khai, minh bạch đối với Quỹ PCTT cũng chưa được thực hiện tốt.
“Quỹ PCTT chưa thể hiện rõ chức năng, tác dụng không đạt như kỳ vọng. Cần đánh giá kỹ để tổ chức thực hiện tốt hơn, đặc biệt là bổ sung các nội dung chi. Một số mức chi về khắc phục sự cố thiên tai đối với công trình còn thấp, đề nghị nâng lên”, ĐB Nhất nêu ý kiến.
ĐB Nhất cũng thống nhất với việc thành lập Quỹ PCTT ở cấp trung ương, song cần làm rõ nguồn thu và cơ chế sử dụng, nhất là điều tiết quỹ trung ương cho các địa phương và giữa quỹ các địa phương với nhau. Việc điều tiết phải có quy chế rõ ràng, đảm bảo tính công bằng, tránh tình trạng địa phương thu nhiều nhưng chi rất ít vì không có thiên tai, quỹ cứ “nằm một chỗ”.
Cần khắc phục tình trạng xây dựng trái phép
Tham gia góp ý đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, ĐB Nguyễn Phi Long bày tỏ sự quan tâm đến tình trạng xây dựng không phép và trái phép tràn lan, không chỉ ở đô thị mà nhức nhối cả ở nông thôn.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó. Luật Xây dựng hiện hành không có quy định về quản lý trật tự xây dựng. Tốc độ đô thị hóa rất nhanh, giá cả đất đai tăng nhanh; với sự dịch chuyển phát triển của các đô thị, nhu cầu nhà ở của công nhân, người lao động, người dân ngày càng tăng cao. Trong khi đó, các quy trình cấp phép xây dựng, quy hoạch khu đô thị… làm rất chậm. Cùng với đó là sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương, cơ quan chuyên ngành… diễn ra rất phức tạp.
“Tôi thống nhất bổ sung quy định về cấp phép xây dựng và quản lý về trật tự xây dựng. Song, chúng ta phải làm tường minh, công khai. Thủ tục liên quan phải nhanh chóng, cái nào không cần thiết thì có thể bỏ đi”, ĐB Long đề đạt.
NGUYỄN VĂN TRANG