Cần sớm cắt giảm văn bằng, chứng chỉ!
Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV đang diễn ra, phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân xung quanh vấn đề “loạn” văn bằng, chứng chỉ thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Bộ Nội vụ sẽ xem xét miễn thi ngoại ngữ đối với cán bộ người dân tộc thiểu số biết tiếng Kinh và cán bộ người Kinh biết tiếng dân tộc khi công tác tại vùng dân tộc thiểu số.
- Trong ảnh: Lễ bế giảng lớp bồi dưỡng tiếng Bana cho cán bộ, công chức, viên chức huyện Tây Sơn.
Văn bằng, chứng chỉ bắt buộc phải có rất nhiều, song chưa phát huy tác dụng thật sự trong thực tiễn công tác. Đây là vấn đề được nhiều đại biểu nêu ra khi chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân. Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Đoàn Hưng Yên) cho rằng, yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học còn mang tính hình thức bởi một số lý do nhất định. Nhiều cán bộ, công chức, viên chức vì muốn đủ thủ tục nên đã đăng ký các lớp học ngoại ngữ, tin học với thời gian thực học rất ngắn nên chất lượng các chứng chỉ không thực chất. Nhiều ngành nghề, lĩnh vực chưa thực sự cần đến các chứng chỉ này nên người học lại không sử dụng đến. Mục đích có chứng chỉ chỉ nhằm đủ điều kiện để thi tuyển, xét tuyển, thi xét nâng ngạch, gây tốn kém cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
“Bộ Nội vụ đang chuẩn bị trình Chính phủ đề án về kiểm định chất lượng đầu vào đối với công chức, viên chức. Theo đó sẽ thành lập các trung tâm, tổ chức kiểm định chất lượng công chức chung cho từng khu vực, lĩnh vực ngành nghề. Các trung tâm, tổ chức này sẽ tổ chức kiểm định chất lượng bằng thi tuyển kỹ năng thực tế, không quá chú trọng vào văn bằng, chứng chỉ”.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ LÊ VĨNH TÂN
Còn đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Đoàn Phú Yên) cho biết, cử tri là công chức, viên chức, giáo viên gửi tâm tư lo lắng trước những thay đổi liên tục trong các quy định, nhất là làm sao hoàn thiện đủ văn bằng, chứng chỉ. “Cử tri nói với chúng tôi rằng bằng ngoại ngữ, tin học không khác gì giấy phép con”, đại biểu Hiền nói.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân chia sẻ: “Tôi thấy rất phiền hà về việc văn bằng chứng chỉ, không phải riêng về thi nâng ngạch hoặc xét thăng hạng viên chức mà quy trình bổ nhiệm của mình phải có bằng cấp, tiêu chuẩn, điều kiện, tôi thấy nhiều quá. Những quy định này có từ năm 1993 - một quy định hơn 20 năm không sửa, để cho thủ tục rườm rà, Bộ Nội vụ nhận khuyết điểm này”.
Cụ thể, theo Bộ trưởng quy trình bổ nhiệm cán bộ hiện nay đòi hỏi đến 7 chứng chỉ, bằng cấp, điều kiện liên quan: Bằng đại học, các chứng chỉ lý luận chính trị, quản lý nhà nước, bồi dưỡng chức danh, tin học, ngoại ngữ, quốc phòng. Thêm vào đó, bất cập hiện nay là chưa phân loại yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ theo yếu tố cần và đủ, mà “cào bằng” toàn bộ vị trí việc làm. Mặt khác, có việc đòi hỏi phải có bằng cấp nhưng khi công chức thi vào lại phải học lại.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cam kết với Quốc hội: “Năm 2020, sau khi Luật Cán bộ, công chức sửa đổi có hiệu lực, chúng tôi sẽ sửa ngay. Chúng tôi sẽ thực hiện các quy trình bổ nhiệm, thăng hạng, xét nâng ngạch công chức theo đúng quy định của Đảng, không thêm bất cứ một hồ sơ, thủ tục nào nữa. Quan trọng là đơn giản thủ tục; chẳng hạn, khi tuyển dụng công chức, viên chức, kiểm tra trình độ tin học và ngoại ngữ đều trên máy, chứ không yêu cầu phải nộp kèm chứng chỉ trong hồ sơ”.
Cùng tham gia giải trình, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ có rất nhiều buổi làm việc để giải quyết nhiều vấn đề về biên chế giáo viên, tìm giải pháp, tham mưu cho Chính phủ giải quyết, tháo gỡ các vấn đề đang vướng.
“Qua thực tiễn chúng tôi thấy, đối với giáo viên nói riêng cũng như đối với viên chức, công chức, quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là không cần thiết. Tới đây sẽ được lồng ghép trong quá trình bồi dưỡng chức năng nghề nghiệp”, Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.
MAI LÂM