KỶ NIỆM 37 NĂM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM (20.11.1982 - 20.11.2019):
Tự hào là giáo viên
Lựa chọn một công việc mà không nhiều người dám hy sinh gắn bó, những giáo viên, giảng viên trẻ, với nhiệt huyết của tuổi trẻ và tình yêu nghề, đã và đang hết mình vì những “chuyến đò tri thức”.
Với họ, hạnh phúc lớn nhất có lẽ là ngày ngày được đứng trên bục giảng, được thấy những đôi mắt trong veo, sáng ngời hạnh phúc của bao lứa học trò.
Tỉnh đoàn tuyên dương 29 giáo viên, giảng viên trẻ tiêu biểu năm 2019.
Trọn vẹn một tình yêu
Đấy là điều chúng tôi có thể cảm nhận được khi ngồi trò chuyện với những giáo viên (GV) trẻ đã vượt qua khó khăn bám trường, bám lớp. Họ say mê nói về mái trường, nói về những học trò thân yêu. Cô giáo trẻ Trương Thị Mỹ Hà (25 tuổi) đang dạy học ở Trường Tiểu học Canh Liên (Vân Canh), nơi có 7 điểm trường, mỗi điểm cách nhau từ 15 - 20 phút đi xe máy.
Tốt nghiệp Trường CĐ Bình Định ngành Sư phạm Giáo dục Tiểu học, cô Hà xin về ngôi trường này giảng dạy đã 3 năm. Người GV trẻ xúc động kể: “Có lần tôi bị sốt siêu vi phải nghỉ một tuần để điều trị tại bệnh viện. Lúc ấy tôi nhớ các em lắm. Các em đã dùng màu tô rồi tô trên giấy làm một bình hoa đem lên tặng cô ngày cô trò gặp lại. Giây phút ấy khiến tôi xúc động trào nước mắt và tự nghĩ con đường mình đã chọn là rất đúng”, cô Hà nhớ lại.
Là trường có 100% học sinh là người dân tộc Bana, đời sống còn nhiều thiếu thốn nên để đến được với cái chữ, các em học sinh ở đây phải vượt qua nhiều khó khăn. Chính vì thế, với các GV vùng cao, chỉ cần học sinh tích cực tới trường, tiến bộ từng ngày đã rất ý nghĩa. “Các em không được lựa chọn nơi mình sinh ra nhưng được chọn thực hiện ước mơ của mình. Chúng tôi sẽ giúp các em thực hiện ước mơ đó”, cô Hà bày tỏ.
Lòng yêu nghề, sự nhiệt huyết và sáng tạo trong công việc cũng là phẩm chất cao quý của cô giáo Lê Thị Thúy Hà (31 tuổi, GV môn Sinh học của Trường THPT Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh). Những tiết học của cô luôn gây được sự hứng thú, hấp dẫn đối với học sinh. Các em được chủ động thực nghiệm, tìm tòi, nghiên cứu, tham gia trao đổi kiến thức qua phương pháp “Bàn tay nặn bột”. Đây là phương pháp dạy học được cô Hà áp dụng từ năm 2017 và được Hội đồng sáng kiến Sở GD&ĐT đánh giá cao. Cô Thúy Hà cho biết: “Phương pháp dạy học này dựa trên thí nghiệm nghiên cứu. Trong đó, chú trọng đến việc hình thành các kiến thức cho học sinh bằng các thí nghiệm, tìm tòi, nghiên cứu, để chính các em tìm ra câu trả lời cho các vấn đề của cuộc sống. Áp dụng phương pháp này sẽ giúp các em được trải nghiệm nhiều hơn, tôi cũng có thể khai thác những kiến thức trong đời sống thực tế của các em”.
Hơn 10 năm gắn bó với nghề cũng là chặng đường không ngừng nỗ lực của GV trẻ Lê Thị Thúy Hà. Mỗi ngày đến trường với cô không chỉ là niềm vui mà còn là thực hiện ước mơ giúp các em học sinh trưởng thành và làm người có ích. “Mỗi lần đến tiết học của cô Hà chúng em rất hứng thú vì được phát huy tinh thần làm việc nhóm và được tự tìm tòi để rút ra kiến thức”, em Nguyễn Văn Tú, học sinh lớp 11, bày tỏ.
Với giáo viên trẻ Trương Thị Mỹ Hà, niềm vui mỗi ngày là được dạy dỗ các em học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số xã Canh Liên nên người.
Tuổi trẻ là thời gian đẹp nhất
Nhiều GV trẻ, ngoài thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, còn tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện xã hội để trải nghiệm, trưởng thành, hiểu hơn câu nói “cho là nhận” và “sống cho đời tuổi trẻ đẹp nhất”. Anh Trần Công Toại (31 tuổi, GV bộ môn Nội - Nhiễm và cũng là Phó Bí thư Đoàn trường CĐ Y tế Bình Định) là một cá nhân như thế. 4 năm trở lại đây, việc phát động sinh viên tham gia làm mô hình tủ thuốc gia đình trao tặng cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng biển đảo của anh đã được sinh viên hưởng ứng tích cực. Đây không chỉ phát huy chuyên môn nghiệp vụ của sinh viên trường y trong công tác tình nguyện, mà còn giúp hỗ trợ người dân một cách thiết thực. Bên cạnh đó, việc huy động các nguồn lực hỗ trợ trao học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn do anh và Đoàn trường thực hiện mang lại nhiều ý nghĩa. Nhiều sinh viên nghèo đã có thêm động lực tiếp bước trên con đường học tập. “Tôi nhớ nhất là kỷ niệm về chuyến tình nguyện tham gia xây dựng cột cờ Tổ quốc ở xã đảo Nhơn Châu. Cột cờ được xây dựng trên địa hình đồi núi khá phức tạp nên tôi cùng các thanh niên tình nguyện khác hăng hái vác từng giàn giáo, bao xi măng hay thùng sơn leo lên các bậc thang. Khó khăn là vậy nhưng chúng tôi đều nghĩ với sức trẻ thì việc gì cũng hoàn thành được”, anh Toại chia sẻ.
Có nhiều lý do để các bạn trẻ tìm đến với hoạt động tình nguyện nhưng mục tiêu cuối cùng vẫn là đem sức trẻ, lòng quyết tâm và tinh thần tình nguyện giúp người dân vùng sâu, vùng xa bớt khó khăn. Đơn cử như: Anh Lê Duy An (Tổng phụ trách Đội, Trường Tiểu học số 1 Phước Thuận), anh Đặng Văn Pháp (Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học số 2 Cát Minh); anh Võ Xuân Biên (Tổng phụ trách Đội Trường THCS Tây Sơn)…“Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”. Vâng! Còn nhiều, rất nhiều những tấm gương vượt khó, tâm huyết với nghề như các thầy cô nói trên. Ngoài nghị lực vượt khó, ở họ còn gợi lên cho mỗi người một lối sống đẹp, tích cực, sống để cống hiến.
HỒNG PHÚC