Mỡ màu yêu thương
Dại khờ lang thang (NXB Văn hóa - Văn nghệ, 2019) là tập thơ vừa ra mắt bạn đọc của tác giả Nguyễn Thường Kham. Tập thơ là những phút trải lòng và sự chiêm nghiệm của nhà thơ trong những tháng ngày cầm bút, trong sự soi chiếu với cuộc đời, thời cuộc.
Nguyễn Thường Kham là một nhà giáo về hưu ở Hoài Nhơn, vì vậy không khó giải thích vì sao anh dành khá nhiều trang để viết về tháng năm học đường, tình thầy trò trong tập sách này. “Cám ơn mái ấm ngôi trường/ chở che ta một đoạn đường áo cơm/ giúp ta đói sạch rách thơm/ dẫu cơm lưng chén vẫn đơm tình đầy” (Lời tâm sự lúc chia tay).
Người đọc tìm thấy trong thơ anh những dập dờn mơ mộng có nét phiêu khoáng trong cuộc tìm kiếm chính mình. Anh tự nhận mình như một kẻ “dại khờ lang thang” trong những miền tâm tưởng, trong những khao khát quẫy cựa. Thế nhưng, dù lang thang ở địa hạt nào thì dường như cái đích đến của người thơ Nguyễn Thường Kham luôn là nẻo về những yêu thương chân thành: “Dòng đời đâu phải vòng đua/ vướng làm chi chuyện thắng thua chiếu đời/ có thương thì rót rượu mời/ có yêu thì nối đất trời vào nhau// Không vàng nên chẳng lẫn thau/ chút phù sa góp mỡ màu mùa xanh/ như ngày em đến cùng anh/ trong veo ánh mắt kết thành mùa yêu” (Dại khờ lang thang).
Thơ của Nguyễn Thường Kham đa dạng đề tài nhưng ở tập thơ này, tôi thích những cảm nghiệm của anh ở dòng thơ viết về gia đình và thế sự. Ở đó, sự khắc khoải suy tư của anh như tạo ra những khoảng lặng, khiến người đọc phải suy ngẫm. Dòng thơ này, tôi thích những câu thơ như: “Ân tình như một chuyến buôn/ để cho giọt máu nhớ nguồn mà đau” (Ly dị). Hay: “Dốc chai cạn nốt ly này/ đời như phiên chợ/ tỉnh/ say/ nghĩa gì/ người ái ngại/ kẻ khinh khi/ thì ta cứ việc cạn ly/ kệ đời/ hay như: đã từng quen chuyện oan sai/ ngày hôm qua/ với ngày mai/ khác gì/ trái ngang dập nguội cuồng si/ mẹ cha nó/ ta biết đi đường nào/ ai xem ta là đồng bào/ thế nhân bịt kín lối vào thiện nhân” (Chí Phèo uống rượu).
Dại khờ lang thang là tập thơ thứ 3 của nhà thơ Nguyễn Thường Kham. Tập thơ có nhiều bài thơ chắc về tứ, lọc chọn về hình ảnh, ngôn ngữ thơ và có điểm nhấn của tư tưởng. Hẳn tập thơ này sẽ tạo nhiều đồng cảm, bắt nhịp cảm xúc với bạn đọc.
VÂN PHI