Việt Nam trở thành thành viên Uỷ ban Di sản thế giới
Việt Nam nằm trong danh sách 11 quốc gia đạt được số phiếu bầu cao nhất và vượt 50% số phiếu yêu cầu.
Tối 19.11 (theo giờ Việt Nam), Việt Nam đã trúng cử trong cuộc bầu chọn và lần đầu tiên trở thành thành viên Ủy ban liên chính phủ của Công ước 1972 về Di sản thế giới. Tin vui này thể hiện thành công và uy tín của Việt Nam trong phát triển bền vững gắn kết với bảo tồn văn hóa.
Với số phiếu ủng hộ 93 trên tổng số 169 phiếu bầu, Việt Nam nằm trong danh sách 11 quốc gia đạt được số phiếu bầu cao nhất và vượt 50% số phiếu yêu cầu để trở thành thành viên mới của Ủy ban liên chính phủ của Công ước 1972 (hay còn gọi tắt là Ủy ban Di sản). Đây là cơ quan có quyền quyết định có công nhận hay không các hồ sơ di sản của tất cả các quốc gia đệ trình lên.
Trả lời PV VOV thường trú tại Pháp ngay sau khi có kết quả, Đại sứ Dương Văn Quảng, Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO nhấn mạnh: “Đây là tin vui, là niềm vinh dự đối với Việt Nam, nhưng trách nhiệm cũng rất nặng nề. Việc Việt Nam lần đầu tiên làm thành viên Ủy ban Di sản sẽ cho chúng ta cơ hội lớn để học hỏi, phát huy được nhiều điều. Hiện nay chiến lược hội nhập của Việt Nam muốn phát huy hình ảnh thì phải vào các tổ chức chuyên môn, trong đó có Ủy ban Di sản”.
Đại sứ Dương Văn Quảng cho biết, với việc tham gia Ủy ban Di sản, Việt Nam sẽ cùng tham gia việc đôn đốc thực hiện Công ước 1972 đối với 190 nước thành viên của công ước. Việt Nam cũng sẽ tham gia xét duyệt các hồ sơ di sản được tất cả các nước đệ trình lên Ủy ban Di sản (khoảng 40-60 hồ sơ mỗi năm). Việt Nam cũng sẽ phải suy nghĩ cách thức tham gia ủy ban sao cho hiệu quả, để phát huy được vị trí quan trọng mà chúng ta vừa được bầu chọn.
Cuộc bầu chọn thành viên mới của Ủy ban liên chính phủ của Công ước 1972 lần này diễn ra trong khuôn khổ Đại hội đồng UNESCO lần thứ 37. Ủy ban gồm 21 quốc gia thành viên với nhiệm kỳ 4 năm và cứ mỗi nửa nhiệm kỳ, có khoảng một nửa số thành viên của ủy ban được bầu chọn lại.
Cuộc bầu chọn vào Ủy ban di sản có điểm khác biệt là không lựa chọn theo khu vực địa lý mà bầu trong tổng thể các thành viên. Chính vì thế, sự cạnh tranh rất cao. Số ghế cần lựa chọn ít, chỉ là 11 ghế trống so với số lượng các nước ứng cử là 22 ứng viên.
Theo thông lệ, năm nay, một ghế được dành cho một quốc gia thành viên chưa có một di sản nào được công nhận, và Jamaica đã được lựa chọn vào vị trí này. Cuộc bầu chọn 11 thành viên còn lại lần này cũng khá thú vị vì ngay từ vòng đầu, kết quả đã được xác lập rõ ràng.
Cùng với Việt Nam, một số quốc gia khác như Philippines, Hàn Quốc, Croatia, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ… cũng được bầu chọn là thành viên của Ủy ban Di sản thế giới.
Theo Thùy Vân (VOV)