Chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam 20.11:
Vinh danh những người thầy
Nghề giáo không chỉ là nghề gieo chữ mà còn là gieo yêu thương, và với những giáo viên miền núi, yêu thương còn đong đầy hơn thế. Nếu lên thăm các xã miền núi hôm nay, sẽ không khó để cảm nhận giáo dục ở đây ngày càng khởi sắc.
Thương đồng bào, thương học trò
Được dịp đi nhiều và trò chuyện với nhiều thầy cô, cán bộ thuộc ngành GD&ĐT ở vùng cao, tôi ngày càng thêm yêu họ hơn, những người không những gieo vào học trò con chữ mà cùng với đó còn là yêu thương.
Nơi ở của rất nhiều thầy cô cách chợ đôi khi đến nửa ngày đường, nên có khi cả tháng trời thầy cô giáo mới đi chợ một lần. Cực nhất vẫn là các giáo viên ở những nơi chưa có điện, thức ăn không bảo quản được lâu, thầy cô phải ăn thực phẩm khô là chính. Và tất nhiên những nơi hẻo lánh như thế, nước máy, internet là điều xa vời.
Cô trò Trường Tiểu học Canh Liên, huyện Vân Canh.
Đa số giáo viên ở vùng cao là nữ, các cô chỉ mới từ 23 - 30 tuổi, có những cô chưa chồng, có cô thì chồng con ở xa. Nỗi nhớ nhà, nỗi buồn là điều không thể tránh khỏi. Ở Trường mẫu giáo An Vinh (huyện An Lão), đa số các cô là người ở xã An Hòa, từ nhà đến trường là 30 km, đường đèo nguy hiểm, nhất là những ngày mưa. Rồi ở Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh), có những điểm trường xa tít không thể đi xe, đi bộ nửa ngày đường, đi đến lưng chừng núi thấy bên mình là vực thẳm hun hút.
Sẽ quan tâm đến giáo viên vùng cao nhiều hơn
Trong chuyến thăm Trường Tiểu học Canh Liên mới đây nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng thông báo: Ðể giáo viên vùng cao yên tâm đứng lớp, sắp tới tỉnh sẽ có một số chương trình hỗ trợ cho những xã vùng sâu vùng xa như: Kéo điện lưới cho các làng còn lại; giao Sở GD&ÐT thống kê các điểm trường còn thiếu nhà công vụ để có chương trình đầu tư xây dựng bổ sung; xây dựng cơ chế luân chuyển giáo viên sau thời gian công tác có nguyện vọng về quê. Ðối với những giáo viên muốn gắn bó lâu dài phải giải quyết nhu cầu đất để thầy cô xây nhà, an cư lạc nghiệp!
Hôm rồi đến thăm Trường Tiểu học Canh Liên (xã Canh Liên, huyện Vân Canh), tôi hỏi thăm mới biết 31 giáo viên ở đây mỗi người mỗi quê, người ở Hoài Nhơn, người Phù Mỹ, Tây Sơn, Tuy Phước, An Lão và cả TP Quy Nhơn. Nhưng khi đón đoàn, cô nào cũng chân thành tâm sự: Chúng tôi có khổ thật, nhưng bà con ở đây và học sinh của mình còn khổ hơn mình nhiều lắm, nên muốn dạy các em trước tiên phải thương các em nhiều hơn!
Cô Nguyễn Thị Bích Ly (24 tuổi, quê ở Phù Mỹ), giáo viên Trường Tiểu học Canh Liên, cho biết: Tôi ở điểm trường Kà Bông, đây là 1 trong 4 làng ở Canh Liên chưa có điện. Vậy nên gần 2 năm qua, tôi và đồng nghiệp ăn cá mặn và rau là chính. Đúng là khó khăn nhưng khi đã quen và thấy thương học sinh, thương nơi này, chúng tôi càng có động lực hơn. Nói thì nghe có vẻ sách vở và cũ mòn, nhưng thật sự là như vậy. Dân và các em thương cô giáo như người thân mà!
Gieo yêu thương giữa núi rừng
Còn nhớ, khi tôi đến thăm lớp 1 của điểm trường Kà Nâu thuộc Trường Tiểu học Canh Liên, đúng lúc cô Phạm Thị Nhã Vi đang đưa một cậu học trò vào lớp. Cô giáo Vi kể: Thấy em vắng mặt nên tôi đến tận nhà mới biết em này bị sốt, tôi đưa em đến lớp để học và còn cho em uống thuốc nữa. Nhà em ấy đang có việc không vui nên mình phải thật nhẹ nhàng. Chỉ cần nghỉ một hai hôm thôi là các em sẽ theo đà nghỉ học luôn. Hụt từng ấy kiến thức là các em rất dễ nản. Cho nên những lúc rảnh, mình thường xuyên đến nhà các em thăm chơi, thấy các em khổ mình càng thương.
Cũng giống như cô Ly, cô Vi, cô Nguyễn Phạm Thị Mỹ Duyên, giáo viên trẻ của Trường mẫu giáo An Vinh (xã An Vinh, huyện An Lão), tươi cười chia sẻ: Trẻ con trên này ngoan và đáng yêu lắm. Gắn bó với các em, tôi thấy ngày nào cũng đầy yêu thương.
Ở vùng núi, dù cơ sở vật chất giáo dục đã dần đảm bảo nhưng ở những điểm trường xa, số lượng học sinh ít nên cấp tiểu học phải tổ chức lớp ghép, có những lớp ghép đến 3 trình độ. Các giáo viên phải vất vả nhiều hơn. Theo ông Bùi Xuân Ngọc, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Thạnh, ở những nơi có địa hình cách trở, hoặc những nơi có nhiều điểm trường lẻ xa, hằng năm Phòng GD&ĐT luân chuyển giáo viên để các thầy cô đỡ vất vả. Đối với giáo viên miền núi, phải yêu thương thật nhiều mới có thể vượt qua khó khăn.
Cô Văn Thị Xuân Nhi, giáo viên Trường mầm non An Lão, chia sẻ: Vì cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, chúng tôi tự làm đồ dùng dạy học, tự trang trí tường, cắt giấy, trang trí sân chơi… Điều quan trọng là giúp các em thoải mái học tập, vui chơi. Phụ huynh cũng hay đùa các cô là người đa năng.
Ông Trần Văn Tho, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Canh Liên, bày tỏ: Trường sẽ cố gắng vượt qua khó khăn để nâng cao chất lượng dạy học, phấn đấu trong giai đoạn 2019 - 2025 đạt trường chuẩn quốc gia. Đồng thời dựa vào văn hóa, phong tục, tập quán của các em để có cách giảng dạy phù hợp hơn, cho các em trải nghiệm nhiều hơn.
THẢO KHUY