Giao khoán quản lý, bảo vệ rừng: Nhiều lợi ích, hiệu quả cao
Những năm qua, tỉnh Bình Ðịnh tích cực thực hiện chính sách giao khoán cho các đơn vị, hộ dân, cộng đồng dân cư quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, góp phần bảo vệ tài nguyên rừng.
Với hơn 54.000 ha đất có rừng, trong đó có hơn 48.200 ha rừng tự nhiên, huyện An Lão là địa phương thực hiện tốt chính sách giao khoán quản lý, bảo vệ rừng với diện tích giao khoán hơn 22.000 ha rừng cho người dân, cộng đồng dân cư bảo vệ, mang lại hiệu quả thiết thực.
Ông Đinh Văn Thuộc, Tổ trưởng nhóm cộng đồng bảo vệ rừng của thôn 2, xã An Quang (huyện An Lão), chia sẻ: “Nhóm chúng tôi gồm 11 hộ dân được giao khoán 28 ha rừng tự nhiên để bảo vệ. Chúng tôi vừa trồng rừng sản xuất vừa tham gia bảo vệ rừng, mỗi tháng nhóm tổ chức tuần tra rừng từ 2 - 3 lần và thường xuyên vận động người dân trong thôn cùng nhau bảo vệ rừng”.
Tổ cộng đồng bảo vệ rừng thôn Định Bình Nam, xã Hoài Đức (huyện Hoài Nhơn) tuần tra bảo vệ rừng.
Ban quản lý rừng đặc dụng An Toàn (huyện An Lão) quản lý hơn 26.000 ha rừng đặc dụng. Đơn vị đã giao khoán 7.500 ha rừng cho 210 hộ dân xã An Toàn bảo vệ với mức khoán 400 nghìn đồng/ha/hộ/năm. Ông Nguyễn Hùng Nam, Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng An Toàn, cho biết: “Hầu hết người dân ở đây là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn khó khăn. Nhờ thực hiện chính sách giao khoán bảo vệ rừng, bà con có thêm một khoản thu nhập khi cùng chung tay giữ rừng. Đơn vị đang thực hiện thí điểm trồng gần 30.000 cây hà thủ ô tại địa phương. Dự án này nếu thành công sẽ được chúng tôi nhân rộng cho người dân để tạo sinh kế, hứa hẹn mở ra một tương lai rất tốt cho bà con”.
Tại huyện Vân Canh, với diện tích quản lý hơn 25.400 ha rừng phòng hộ, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện đã giao khoán cho các hộ dân tại 23 thôn, làng của huyện bảo vệ gần 20.000 ha rừng. Ông Đoàn Văn Tây, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Vân Canh, cho hay: “Hằng năm, từ nguồn vốn 30 a, vốn bảo vệ và phát triển rừng hơn 7,5 tỷ đồng, đơn vị đã giao khoán cho người bảo vệ rừng. Nhờ đó hạn chế tình trạng chặt phá rừng trái phép, đốt rừng làm nương rẫy, góp phần xóa đói giảm nghèo ở huyện”.
Toàn huyện Hoài Nhơn có hơn 23.000 ha đất lâm nghiệp, trong đó diện tích đất có rừng hơn 20.000 ha. Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền bảo vệ rừng và PCCC rừng, huyện chú trọng thực hiện chính sách giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho người dân nhằm tăng hiệu quả trong công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Ông Mai Xuân Luận, thành viên tổ cộng đồng bảo vệ rừng thôn Định Bình Nam, xã Hoài Đức (huyện Hoài Nhơn), bộc bạch: “Tổ chúng tôi có 10 thành viên được giao khoán bảo vệ hơn 1.700 ha rừng tự nhiên với mức hỗ trợ từ 1 - 1,2 triệu đồng/người/tháng. Cùng với việc luân phiên trực gác tại các chốt trạm, chúng tôi thường xuyên phối hợp cán bộ xã, cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn tuần tra bảo vệ rừng hàng tháng nhằm phát hiện, xử lý các trường hợp phá rừng trái phép, lấn chiếm đất lâm nghiệp”.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh (Sở NN&PTNT), cả tỉnh hiện có hơn 380 nghìn héc ta đất rừng và đất lâm nghiệp, trong đó diện tích quy hoạch rừng phòng hộ hơn 175 nghìn héc ta, còn lại là rừng đặc dụng và rừng sản xuất. Đến nay, toàn tỉnh thực hiện khoán cho các chủ rừng quản lý hơn 120 nghìn héc ta rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; khoán khoanh nuôi tái sinh rừng hơn 285 nghìn héc ta rừng.
Ông Nguyễn Đình Lâm, Trưởng phòng Sử dụng và phát triển rừng - Chi cục Kiểm lâm tỉnh, nhìn nhận: Chính sách giao khoán cho người dân, cộng đồng dân cư quản lý, bảo vệ rừng, khoán nuôi tái sinh rừng tại các địa phương trong tỉnh đã mang lại nhiều lợi ích, góp phần tăng cường mối liên kết giữa người dân với các chủ rừng và ngành chức năng trong công tác bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Thời gian tới, Chi cục tiếp tục phối hợp với chính quyền, ban quản lý rừng, các công ty lâm nghiệp xây dựng, nhân rộng mô hình giao khoán bảo vệ rừng tại các địa phương hoạt động nền nếp, hiệu quả.
ÐOÀN NGỌC NHUẬN