Họa sĩ Phạm Xuân Trường & tranh khắc gỗ
Họa sĩ Phạm Xuân Trường sinh trưởng tại huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, song hơn 20 năm qua, anh đã chọn Bình Ðịnh làm quê hương thứ hai. Là một họa sĩ, có nhiều tác phẩm tốt nhưng khi trò chuyện, Th.S Phạm Xuân Trường, giảng viên Trường ÐH Quy Nhơn, khá khiêm nhường.
Năm 1997, Phạm Xuân Trường, khi ấy vừa tốt nghiệp Trường CĐ Sư phạm Nhạc - Họa Trung ương (khóa 1994 - 1997), nhận được lời mời từ lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm Quy Nhơn (nay là Trường ĐH Quy Nhơn) về công tác tại Khoa Giáo dục Tiểu học.
Họa sĩ Phạm Xuân Trường
Họa sĩ Phạm Xuân Trường kể: Hồi đó, ngành Sư phạm Mỹ thuật chưa có hệ đại học nên giáo viên bộ môn Mỹ thuật khá hiếm, vì vậy công việc giảng dạy ở trường khá bận rộn, tôi hầu như không có thời gian để sáng tác… Hơn nữa càng ngày mình càng yêu công việc trên bục giảng, nên tiếp tục nung nấu ý định nâng cao kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ…
Năm 2000, khi Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội) mở Khoa Sư phạm Mỹ thuật, Phạm Xuân Trường đề xuất và được lãnh đạo Trường ĐH Quy Nhơn ủng hộ cho đi học lên cao hơn. Với thành tích học tập tốt, năm 2006, anh tiếp tục theo học Thạc sĩ ngành Sáng tác Mỹ thuật tại Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam. Anh tâm sự: Thời gian học thạc sĩ, tôi may mắn được thọ giáo hầu hết các giáo sư, giảng viên thuộc đủ các chuyên ngành: sơn dầu, sơn mài, lụa, đồ họa… Tuy nhiên, tôi thấy tạng của mình phù hợp với đồ họa, nhất là chất liệu khắc gỗ.
Tác phẩm “Bến thuyền”. Tranh khắc gỗ của Phạm Xuân Trường.
Năm 2010, ngay sau khi hoàn thành chương trình đào tạo thạc sĩ, Phạm Xuân Trường đã có tác phẩm được chọn tham gia Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc. Đó là tác phẩm khắc gỗ mang tên “Bến thuyền”. Anh nhớ lại, năm đó Bình Định chỉ có 3 họa sĩ có tác phẩm được chọn tham gia Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc và chỉ có duy nhất 1 tác phẩm của anh là chất liệu khắc gỗ… Cho đến bây giờ cũng không nhiều người theo đuổi loại hình này. Nhưng anh thì càng làm càng mê. Sau thành tích đó, Phạm Xuân Trường được lãnh đạo Hội VH&NT tỉnh và Chi hội Mỹ thuật biết đến và mời tham gia sinh hoạt. Đến năm 2011, họa sĩ Phạm Xuân Trường chính thức trở thành hội viên và sinh hoạt tại Chi hội Mỹ thuật - Hội VH&NT Bình Định.
Nghệ thuật đồ họa, trong đó có tranh khắc gỗ xuất hiện ở nước ta rất sớm. Có thể kể đến tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, tranh Làng Sình, tranh Kim Hoàng… Cũng là tranh khắc gỗ dân gian nhưng về kỹ thuật thể hiện, cách thức biểu đạt nội dung, gởi gắm thông điệp, các dòng tranh ấy đều không giống nhau. Về tranh khắc gỗ hiện đại còn phong phú hơn rất nhiều, đa dạng cách thức trình bày, có thể chiếm những không gian trình diễn rất rộng, có thể tham gia vào tác phẩm sắp đặt... “Tôi yêu thích khắc gỗ nên bên cạnh việc nắm bắt kỹ thuật đồ họa hiện đại, tôi đặc biệt chú tâm học hỏi, nghiên cứu về kỹ thuật của khắc gỗ dân gian và mạnh dạn trực tiếp thử nghiệm sáng tác”, họa sĩ tâm sự. Có lẽ nhờ thế nên Phạm Xuân Trường vững vàng về kỹ thuật, xử lý thuần thục các kỹ năng đồ họa… Xem tranh của anh, những đường nét sống động tuôn chảy nhẹ nhàng, sự đơn giản lên đến mức rất cao nhưng vẫn tạo ra những không gian hình dung đằm sâu.
Họa sĩ Phạm Xuân Trường cho biết, hiện nay, bộ môn đồ họa phát triển khá mạnh với nhiều chất liệu mới đa dạng, hiện đại, song anh vẫn mê chất liệu khắc gỗ, bởi lẽ: “Đây không chỉ là chất liệu truyền thống của dân tộc, mà còn tạo cho tôi nhiều cảm hứng sáng tạo, đồng thời giúp tôi giữ gìn, phát huy truyền thống nghệ thuật của cha ông”.
VIẾT HIỀN