Luật Đầu tư (sửa đổi) cần đồng bộ với các luật khác
Tiếp tục kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, ngày 20.11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi).
Tham gia thảo luận, đại biểu (ĐB) Lê Công Nhường (Đoàn Bình Định) cho rằng, ở Điều 11 về “Bảo đảm hoạt động đầu tư”, cần bổ sung một mục để khuyến khích các công ty nước ngoài đầu tư, chuyển giao công nghệ tiên tiến lại cho chuyên gia hay công nhân Việt Nam sau một thời gian hoạt động.
ĐB Lê Công Nhường cho rằng, nội dung về lĩnh vực, ngành nghề ưu đãi hỗ trợ đầu tư của Dự án luật còn dàn trải, hình thức, chưa thật sự hướng mạnh vào thực hiện thu hút các nguồn lực đầu tư nhằm cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên sáng tạo và đổi mới công nghệ, thúc đẩy liên kết giữa các ngành, vùng, giữa các DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, các quy định về ngành, nghề cấm đầu tư, cần đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài và đầu tư ra nước ngoài có điều kiện chưa được cập nhật, hệ thống hóa để đảm bảo tính minh bạch và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước với hoạt động này. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ở nước ngoài còn phức tạp, thiếu tính khả thi, bất hợp lý và cản trở việc mở rộng thị trường cho sản phẩm, DN Việt Nam trong bối cảnh hội nhập. Cơ quan soạn thảo Luật nên phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thiết kế quy định để quản lý dòng tiền chuyển ra, chuyển vào nước ta không ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ và tránh “rửa tiền”.
Ngoài ra, Luật Đầu tư sửa đổi lần này phải đồng bộ với các luật khác, như Luật Xây dựng, DN, Nhà ở, Đất đai… để định hướng đầu tư vào các ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn phù hợp, mang lại hiệu quả cao, bền vững. Quá trình xây dựng luật và các nghị định cần tránh dàn trải, quy định thủ tục rườm rà, chồng chéo.
MAI LÂM