TP Quy Nhơn: Chung sức cho công tác giảm nghèo
Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2019, TP Quy Nhơn có tỷ lệ hộ nghèo là 0,26%, giảm 1,15% so với cuối năm 2015 và vượt kế hoạch đề ra vào đầu năm 2019 là giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 0,32%. Ðây là kết quả tích cực từ việc thực hiện nhiều chính sách đồng bộ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Thực hiện Chương trình hành động số 08-CTr/TU của Thành ủy Quy Nhơn về “Giảm nghèo bền vững của thành phố giai đoạn 2016 - 2020”, các ngành, các cấp, các tổ chức hội đoàn thể ở TP Quy Nhơn đã thực hiện nhiều hoạt động thiết thực, tạo động lực cho hộ nghèo vươn lên.
Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Quy Nhơn tặng quà cho người nghèo ở xã Nhơn Lý tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2019.
Tạo điều kiện về sinh kế
Chính sách tín dụng ưu đãi đã mở ra nhiều cơ hội ổn định cuộc sống cho hộ nghèo trên địa bàn TP Quy Nhơn. Từ năm 2016 đến tháng 11.2019, tổng số cho vay hộ nghèo trên địa bàn là 15,5 tỷ đồng với 405 lượt hộ vay; tổng số cho vay hộ cận nghèo hơn 14 tỷ đồng với 376 lượt hộ vay; cho vay hộ mới thoát nghèo là 22,8 tỷ đồng với 526 lượt hộ vay.
Tính đến nay, TP Quy Nhơn đã có 7 phường không còn hộ nghèo gồm: Lý Thường Kiệt, Lê Lợi, Trần Hưng Ðạo, Nguyễn Văn Cừ, Trần Phú, Thị Nại, Ghềnh Ráng. Các phường Lý Thường Kiệt, Nguyễn Văn Cừ và Trần Phú không còn hộ cận nghèo.
Ngoài nhận sự ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác của Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh, các hội đoàn thể trên địa bàn thành phố đã góp phần thực hiện chính sách giảm nghèo thông qua hình thức hỗ trợ vốn ưu đãi cho hội - đoàn viên. Trong đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố và các phường, xã đã hỗ trợ vốn cho 132 hộ nghèo nhằm đầu tư sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo. Tổng số tiền là 1,8 tỷ đồng, từ Quỹ Vì người nghèo. Hội CCB thành phố có tổng số dư quỹ là 2,6 tỷ đồng; hàng năm, thực hiện cho hội viên vay để phát triển kinh tế với tổng số tiền từ 1 tỷ đồng đến 2,6 tỷ đồng.
Các dự án, chương trình phát triển KT-XH địa phương, chuyển giao KHKT, các hoạt động tư vấn việc làm, tuyên truyền xuất khẩu lao động, đào tạo nghề cho lao động nông thôn... đã góp phần tạo việc làm bình quân hàng năm cho khoảng 7.800 lao động. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố đã hỗ trợ kinh phí xây dựng 19 mô hình khuyến nông, 9 mô hình khuyến ngư, 4 mô hình khuyến lâm. Hội Nông dân thành phố cũng phối hợp cử hơn 114.900 lượt hội viên tham gia 890 lớp chuyển giao KHKT về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; nhân rộng 85 mô hình kinh tế.
Hội CTĐ và CLB người tình nguyện CTĐ TP Quy Nhơn trao hỗ trợ xây nhà cho hộ khó khăn trên địa bàn phường Trần Phú.
Hỗ trợ tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản
Từ năm 2016 đến nay, có 6.481 lượt người nghèo và 2.773 lượt người cận nghèo mới thoát nghèo được cấp thẻ BHYT. 3.195 lượt người cận nghèo không thuộc diện mới thoát nghèo được hỗ trợ 70% đến 85% mệnh giá thẻ BHYT. Có 1.578 người cận nghèo được Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh và BHXH Việt Nam hỗ trợ phần chi phí còn lại để mua thẻ BHYT. Ngoài ra, 100% trẻ em dưới 6 tuổi, người từ 80 tuổi trở lên, đối tượng bảo trợ xã hội, cựu chiến binh và người dân đang sinh sống tại xã đảo Nhơn Châu được cấp thẻ BHYT miễn phí theo quy định.
Về mặt giáo dục, đã có 5.328 lượt học sinh được miễn, giảm học phí; hơn 5.300 lượt học sinh được hỗ trợ chi phí học tập. TP Quy Nhơn cũng thực hiện miễn và cấp bù học phí cho hơn 1.800 học sinh là con em của các gia đình bị thiệt hại nặng do lũ lụt năm 2016 với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng. Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố cũng hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó học giỏi hơn 1.590 suất học bổng với tổng trị giá 559 triệu đồng.
Quỹ Vì người nghèo thành phố, các hội đoàn thể, quận Youngsan (TP Seoul, Hàn Quốc) và nhiều tổ chức, cá nhân đã hỗ trợ xây dựng mới 150 nhà ở, sửa chữa 91 nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo với tổng số tiền hơn 7,4 tỷ đồng trong 4 năm (2016 - 2019). Hội CTĐ và Hội đồng Đội thành phố cũng hỗ trợ xây dựng mới, sửa chữa nhà cho 18 đối tượng khó khăn về nhà ở không thuộc diện nghèo, cận nghèo với tổng kinh phí hơn 500 triệu đồng.
Nhiều chương trình, dự án lồng ghép, chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên, đột xuất cũng đang phát huy vai trò trong hỗ trợ hộ nghèo, hộ yếu thế vươn lên, thể hiện nghĩa đồng bào lúc hoạn nạn, khó khăn. Có thể kể đến như: Hỗ trợ gạo cứu trợ cho nhân dân bị thiệt hại bởi thiên tai, nhân dân vùng tái định cư; xây, sửa chữa nhà hư hỏng do bão lũ từ ngân sách tỉnh và nguồn ủng hộ của cộng đồng, DN; các mô hình thiện nguyện; đỡ đầu trẻ mồ côi...
NGUYỄN MUỘI