Chú trọng hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ
Ngày 22.8.2019, Chính phủ có Quyết định 1068/QÐ-TTg phê duyệt Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030, với những định hướng, mục tiêu cụ thể trong phát triển hệ thống sở hữu trí tuệ giai đoạn tới. Phó Giám đốc Sở KH&CN Trần Ðình Chương khẳng định, Chiến lược Sở hữu trí tuệ có ý nghĩa hết sức quan trọng, khẳng định vai trò của sở hữu trí tuệ trong phát triển KT-XH địa phương.
Ông Trần Đình Chương cho biết, UBND tỉnh đã giao Sở KH&CN chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện chiến lược.
Nhãn hiệu tập thể “Bưởi Hoài Ân” và nhãn hiệu chứng nhận “Trà Gò Loi” tạo cơ sở pháp lý bảo hộ độc quyền đối với hai đặc sản của huyện Hoài Ân.
● Việc xây dựng kế hoạch triển khai Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh sẽ chú trọng vào vấn đề gì, thưa ông?
- Chiến lược định hướng sự phát triển của hệ thống sở hữu trí tuệ Việt Nam trong giai đoạn tới theo quan điểm phát triển hệ thống sở hữu trí tuệ đồng bộ, hiệu quả ở tất cả các khâu sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển.
Một số mục tiêu cụ thể trong Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030: Số lượng đơn đăng ký sáng chế và văn bằng bảo hộ sáng chế tăng trung bình 16% - 18%/năm; số lượng đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp tăng trung bình 6% - 8%/năm; số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu tăng trung bình 8% - 10%/năm; số lượng đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng tăng trung bình 12% - 14%/năm…
Quan điểm chỉ đạo của Chiến lược cũng nêu rất rõ chính sách sở hữu trí tuệ đối với quyền tác giả, quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng là một bộ phận không thể tách rời trong chiến lược, chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước và các ngành, các lĩnh vực. Hoạt động sở hữu trí tuệ có sự tham gia tích cực của tất cả chủ thể trong xã hội, trong đó, viện nghiên cứu, trường ĐH, cá nhân tham gia hoạt động sáng tạo, còn DN đóng vai trò chủ đạo trong việc tạo ra và khai thác tài sản trí tuệ.
Với quan điểm này, Chiến lược vạch rất rõ hướng đi, cùng những giải pháp giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay liên quan đến thực hiện quyền sở hữu trí tuệ, khai thác tài sản trí tuệ trong mỗi tổ chức, DN.
● Cụ thể với Bình Định, việc triển khai thực hiện quyền sở hữu trí tuệ thời gian qua gặp những vướng mắc nào?
- Trong thời gian qua, Sở KH&CN tích cực tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều chương trình, dự án và chính sách liên quan đến sở hữu trí tuệ. Đến nay, có hơn 30 sản phẩm đặc trưng của tỉnh, huyện đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp văn bằng bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận. Chính nhờ động thái này, một số sản phẩm đặc trưng của tỉnh có chỗ đứng trên thị trường.
Bên cạnh đó, số lượng đơn đăng ký bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích và kiểu dáng công nghiệp có tăng hơn so với trước đây. Tổng đơn đăng ký từ năm 2017 đến nay là 17 đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho sản phẩm.
Dù vậy, những kết quả trên chưa tương xứng với tiềm năng hiện có của tỉnh. Nguyên nhân nằm ở tâm lý người dân còn ngại thủ tục, chưa nhận thức được hết ý nghĩa của đăng ký bảo hộ thành quả lao động sáng tạo để làm cơ sở cho việc thương mại hóa, khai thác tài sản trí tuệ sau này. Một yếu tố khác rất quan trọng là sự liên kết giữa DN với trường ĐH trong việc khai thác những công trình nghiên cứu chưa thông suốt, hay nói thẳng ra là “tắc” ở nhiều khâu, dẫn đến chưa khai thác hết nguồn lực và tiềm năng của các trường, viện nghiên cứu.
● Để Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 triển khai hiệu quả, khắc phục những “điểm nghẽn” hiện nay, cần phải chú trọng vấn đề gì?
- Trước hết, phải đưa Chiến lược Sở hữu trí tuệ vào chính sách phát triển, xem đây là một yếu tố quan trọng đóng góp cho sự phát triển KT-XH của tỉnh. Tiếp đến, cần làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, để họ thấy rõ những cái lợi khi đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm của mình. Cũng cần làm tốt công tác tuyên truyền tại viện nghiên cứu, trường ĐH, DN, giúp họ tìm được tiếng nói chung trong bảo hộ thành quả lao động sáng tạo và khai thác tài sản trí tuệ tạo ra để đóng góp cho xã hội.
Một yếu tố quan trọng khác là tăng cường đầu tư nguồn lực cho hoạt động sở hữu trí tuệ, trong đó cần thiết phải chú trọng đến việc nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ, để tiến đến hình thành văn hóa sở hữu trí tuệ trong xã hội.
● Xin cảm ơn ông!
NGỌC TÚ (Thực hiện)