Tập trung xử lý nợ thuế
Tổng nợ thuế toàn tỉnh đến nay đã hơn 2.076 tỷ đồng, tăng 96,5% so với cuối năm 2018. Trong số này, khoản nợ thuế có khả năng thu chiếm hơn 1.258 tỷ đồng (với khoản nợ tiền thuê đất và tiền sử dụng đất lên đến 916 tỷ đồng).
Trách nhiệm trước hết ở ngành Thuế!
Với con số này, mục tiêu kéo giảm nợ xuống dưới 868 tỷ đồng từ nay đến cuối năm của ngành Thuế tỉnh rất khó đạt được. Ông Đào Hữu Phúc, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Thuế tỉnh thẳng thắn nhìn nhận, nợ thuế tăng cao, trách nhiệm trước hết thuộc về ngành Thuế. Nhiệm vụ tháng còn lại của năm 2019 là tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp xử lý nợ thuế, kéo giảm nợ thuế.
Ngành Thuế tỉnh chia sẻ về các giải pháp xử lý nợ thuế tại hoạt động giám sát tình hình thực hiện công tác quản lý thuế giai đoạn 2016 - 2018 của Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh.
“Đó là nguồn thu của ngân sách nhà nước, ngành Thuế phải thực hiện các biện pháp để thu được khoản này. Đó còn là trách nhiệm và nghĩa vụ của cán bộ thuế, cơ quan thuế chứ không phải thực hiện chỉ vì mục đích đạt chỉ tiêu yêu cầu”, ông Đào Hữu Phúc khẳng định.
Từ cuộc họp với Ban chỉ đạo chống thất thu ngân sách nhà nước tỉnh vào cuối tháng 5.2019, Cục Thuế tỉnh đã triển khai các biện pháp mạnh trong công tác xử lý nợ thuế. Đến nay, toàn ngành đã thực hiện cưỡng chế 1.361 DN, với số thuế nợ trên 664 tỷ đồng. Đồng thời, để kéo giảm nợ thuế, Cục Thuế tỉnh giao cho Phòng Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, các chi cục thuế trực thuộc giám sát chặt chẽ, đôn đốc và xử lý nợ thuế, chú trọng mục tiêu kéo giảm nợ thuế trong phạm vi 90 ngày phải thấp hơn so với năm trước. Cục Thuế tỉnh thành lập Tổ công tác liên ngành thực hiện đôn đốc và xử lý nợ thuế trực tiếp tại các DN thuộc lĩnh vực công thương nghiệp - ngoài quốc doanh.
Giám sát kê khai thuế từ đầu
Trong buổi làm việc tại chương trình giám sát tình hình thực hiện công tác quản lý thuế trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2018 của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, câu chuyện nợ thuế được “mổ xẻ” dưới nhiều góc nhìn. Đó là, liệu cán bộ thuế trong thực hiện đôn đốc người nộp thuế đã tận tình? Nếu có sự quan tâm đúng mức, khoản nợ thuế trên 90 ngày có tiếp tục tăng lên? Cần một công cụ mạnh đủ sức răn đe với người nộp thuế chây ỳ?…
Giám đốc Sở Tài chính Lê Hoàng Nghi cho rằng, nợ thuế đang là mối quan tâm lớn của ngành Tài chính trong việc thu ngân sách. Để hạn chế tình trạng nợ thuế, ngành Thuế tỉnh nên tập trung vào khâu giám sát kê khai thuế từ đầu. “Chỉ khi đầu vào được giám sát chặt chẽ, quá trình kiểm tra, đối chiếu, phát hiện người nộp thuế không thực hiện đúng nghĩa vụ thuế, áp dụng ngay biện pháp xử lý. Thực tế, lỗ hổng từ khâu giám sát kê khai thuế từ đầu khiến việc truy thu thuế về sau gặp khó khăn”, ông Nghi nói.
Vấn đề được quan tâm là giải pháp hữu hiệu cho việc cưỡng chế nợ thuế và “nuôi dưỡng” nguồn thu. Làm thế nào vừa thu được nợ thuế mà vẫn tạo điều kiện để người nộp thuế tiếp tục hoạt động, duy trì được nguồn thu ngân sách. Theo đó, ngành Thuế tỉnh áp dụng biện pháp mạnh khi người nộp thuế nợ có dấu hiệu chây ỳ; trường hợp người nộp thuế chậm nộp do khó khăn trong sản xuất, kinh doanh sẽ được tháo gỡ để tạo điều kiện cho DN “sống”, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
“Thực hiện giải pháp giám sát hồ sơ kê khai thuế đầu vào của người nộp thuế; tập trung thanh tra, kiểm tra nhóm DN có rủi ro cao về thuế. Song song với đó, chúng tôi vẫn tính đến các giải pháp “mềm” để người nộp thuế hiểu rõ trách nhiệm của họ”, ông Nguyễn Văn Cổn, Trưởng phòng Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế (Cục Thuế tỉnh), cho hay.
Một chuyên gia lĩnh vực tài chính cho rằng, phải có cơ chế cụ thể trong xử lý chậm nộp thuế, nợ thuế, chây ỳ. Cần xem thuế là một trong những điều kiện “đính kèm” trong hồ sơ năng lực của DN khi cấp phép đầu tư, sản xuất kinh doanh, gọi vốn… thì việc chấp hành nghĩa vụ thuế mới đầy đủ. Chuyên gia này cũng khẳng định, “giữa cơ quan thuế với người nộp thuế như một cuộc rượt đuổi. Người nộp thuế tìm mọi cách để né thuế, người thu thuế tìm mọi cách để thu thuế. Trong khi đó, công cụ thuế chưa được xem xét thấu đáo, công khai và minh bạch”.
THU DỊU