Cần chia nhóm thanh niên để hỗ trợ hợp lý
Đó là quan điểm của đại biểu (ĐB) Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Bình Định) khi tham gia thảo luận ở hội trường Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV về Dự án Luật Thanh niên (sửa đổi) vào chiều 21.11.
ĐB Nguyễn Văn Cảnh tham gia góp ý tại hội trường Quốc hội.
Theo ĐB Cảnh, dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) quy định các quyền và nghĩa vụ cho thanh niên về học tập, lao động, sức khỏe, bảo vệ Tổ quốc, môi trường, gia đình còn mang tính chung chung, không phân biệt theo nhóm đối tượng cụ thể. Nhìn vào Luật thì thanh niên khó thấy mình ở đâu và các bộ, ngành cũng khó thấy trách nhiệm chính của mình như thế nào.
Vì vậy, để có sự đột phá trong sửa đổi Luật lần này, ĐB Cảnh đề xuất chia thanh niên thành 4 nhóm: Học sinh, sinh viên, thanh niên tham gia lực lượng lao động và nhóm thanh niên có gia đình. Căn cứ vào đặc điểm từng nhóm sẽ có từng chính sách hỗ trợ, phát triển hợp lý hơn; quy định trách nhiệm của các bộ, ngành để thực hiện chính sách cho từng nhóm và làm rõ bộ, ngành nào chịu trách nhiệm chính. Ví dụ, chịu trách nhiệm chính đối với nhóm học sinh là Bộ GD&ĐT, nhóm sinh viên là tổ chức Đoàn Thanh niên, nhóm lao động là Bộ LĐ-TB&XH, nhóm có gia đình là Hội LHPN…
Ở một nội dung khác, ĐB Cảnh đề nghị dự thảo Luật quy định Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam là “cơ quan tư vấn của Thủ tướng Chính phủ về công tác thanh niên, giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan, tổ chức liên quan giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành về công tác thanh niên”.
Để thực hiện chức năng như trên, cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam sẽ thay đổi. Chủ nhiệm Ủy ban sẽ là 1 Phó Thủ tướng, Phó Chủ nhiệm thường trực là Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn. “Như vậy thì nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam sẽ được nâng cao hơn. Việc nghiên cứu, đề xuất xây dựng các cơ chế, chính sách, phương hướng giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành đối với thanh niên và công tác thanh niên sẽ được thực hiện nhanh hơn”, ĐB Cảnh phân tích.
Bên cạnh đó, ĐB Cảnh nêu thực tế là nhiều nhóm thanh niên mong muốn đóng góp vào công tác xã hội và đã thành lập nhiều nhóm làm công tác tuyên truyền, bảo đảm trật tự xã hội. Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam cần tham mưu để Thủ tướng Chính phủ phân công các bộ, ngành có hướng dẫn để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm hoạt động. Đồng thời, có chính sách y tế để bảo đảm sức khỏe cho các thanh niên gặp tai nạn trong khi làm công tác xã hội, như các trường hợp xảy ra đối với nhóm hiệp sĩ hay nhóm giáo dục đồng đẳng.
MAI LÂM