“Ðiệp khúc” chạy bão
Ðiều kiện kinh tế người dân eo hẹp, mức hỗ trợ của Nhà nước còn thấp, thiếu quỹ đất… là những nguyên nhân cơ bản ảnh hưởng đến tiến độ, kế hoạch bố trí tái định cư cho người dân sống ở vùng chịu ảnh hưởng bởi thiên tai.
Hàng chục hộ dân sống ven tuyến kè dọc biển ở xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) đã quen với việc… chạy bão. Bà Phạm Thị Thắng, ở thôn Hải Nam, xã Nhơn Hải cho biết nhà bà ở sát bờ kè Nhơn Hải, sau cơn bão số 5 đã bị hư hại rất nhiều. Chuyện chạy bão số 5 hoặc số 6 vừa qua không phải lần đầu. Những mùa bão trước đó, gần 100 hộ dân ở địa phương, trong đó có hộ bà Thắng luôn nằm trong diện được chính quyền vận động sơ tán khẩn cấp để bảo vệ an toàn tính mạng.
Chạy bão là chuyện quen thuộc đối với nhiều hộ dân sống dọc tuyến kè chắn sóng ven biển ở xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) vào mùa mưa bão hằng năm.
Khi được hỏi vì sao sống trong điều kiện không đảm bảo an toàn, chính quyền địa phương đã bố trí quỹ đất tái định cư, nhưng gia đình chưa chịu di dời, bà Thắng phân trần: “Điều kiện kinh tế gia đình quá khó khăn phải chạy ăn từng bữa thì tiền đâu xây nhà. Với vật giá hiện nay, muốn xây một ngôi nhà cấp 4 có diện tích 50 - 70 m2 phải có ít nhất 80 - 100 triệu đồng. Mà mức hỗ trợ di dời của Nhà nước chỉ 20 triệu đồng, số còn lại tôi không biết xoay xở đâu ra”.
Nhiều năm qua, chuyện di dời, sơ tán mỗi mùa bão lũ cũng trở nên quen thuộc với nhiều hộ dân sống dọc biển ở thôn Trung Lương, xã Cát Tiến (huyện Phù Cát). Năm 2000, UBND xã Cát Tiến đã quy hoạch, xây dựng khu tái định cư rộng 6 ha ở thôn Phương Nghi, nhằm đưa 118 hộ dân có nhà ở dọc biển Trung Lương đến nơi mới. Mỗi hộ gia đình di dời đến khu tái định cư được cấp 140- 150 m2 đất để xây nhà và được hỗ trợ 20 triệu đồng di dời nhà. Thế nhưng, 19 năm qua chỉ có gần 50 hộ dân chuyển vào khu tái định cư này. Số hộ còn lại dù đã nhận đất tái định cư nhưng vì không có tiền xây nhà nên đành chấp nhận sống trong vùng nguy hiểm.
Chưa có điều kiện xây dựng nhà mới nên một số hộ dân thôn Trung Lương, xã Cát Tiến (huyện Phù Cát) vẫn sống trong ngôi nhà xuống cấp và mỗi mùa bão lũ lại luôn trong tâm thế chạy bão.
Trao đổi với PV, ông Đặng Văn Cút, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT), cho biết: Toàn tỉnh có gần 2.800 hộ dân sống ở vùng chịu ảnh hưởng bởi thiên tai cần phải di dời đến nơi ở an toàn. Từ năm 2006 đến nay, Chi cục phối hợp với chính quyền các địa phương xây dựng 19 khu tái định cư kết hợp với kế hoạch di dân xen ghép để di dời hơn 1.200 hộ dân đến nơi ở mới. Tuy nhiên đến nay, còn nhiều hộ sống vùng ven sông, vùng có nguy cơ sạt lở, ngập lụt… chưa chịu di dời. Các hộ này đa phần thuộc diện kinh tế khó khăn, chưa đủ tiền để xây dựng nhà trong thời điểm mức hỗ trợ còn thấp. Từ thực tế này, tại nhiều cuộc họp cấp Bộ, Chi cục đã kiến nghị nâng mức hỗ trợ từ 20 triệu đồng/hộ lên 40 triệu đồng/hộ. Tuy nhiên đến nay, vẫn chưa có quyết định cuối cùng. Vì thế, cứ đến mùa bão lũ thì vấn đề di dời dân lại được đặt ra.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu cho hay, vừa rồi tỉnh có họp và sẽ xem xét, hỗ trợ thêm một khoản kinh phí (ngoài khoản hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ của Trung ương) để những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hộ nghèo có thể xây dựng được nhà ở mới khi đến khu tái định cư. Tuy vậy, không thể làm liền một lúc vì nguồn ngân sách của tỉnh có hạn.
ÐẠI NAM