Hội thi Sáng tạo kỹ thuật Bình Định lần VIII:
Nhiều sáng tạo kỹ thuật được ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn
Hội thi Sáng tạo kỹ thuật (STKT) Bình Định lần VIII (2012-2013) vừa kết thúc với 31 giải pháp đoạt giải. Hội thi nhằm thúc đẩy phong trào sáng tạo của người lao động trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, áp dụng có hiệu quả các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhiều giải pháp đoạt giải tại Hội thi lần này đã được ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn.
Ban Tổ chức Hội thi STKT Bình Định lần thứ VIII đã nhận được 59 giải pháp tham gia dự thi của các đơn vị, cá nhân. Nhìn chung, các giải pháp tham dự Hội thi lần này đã tập trung vào những vấn đề thiết yếu trong sản xuất và đời sống, như những nghiên cứu cải tiến các phương pháp trong khám, điều trị bệnh; đề xuất các giải pháp kỹ thuật mới phát triển nông-lâm-ngư nghiệp, bảo vệ môi trường; thiết kế, chế tạo các thiết bị cơ khí, điện trong sản xuất công nghiệp; chế tạo thiết bị điều khiển và xây dựng mô hình tự động hóa phục vụ sản xuất và đào tạo; xây dựng phần mềm quản lý và cải tiến các thiết bị điện tử-tin học; cải tiến, đổi mới phương pháp dạy học và chế tạo đồ dùng dạy học trong giáo dục…
Qua Hội thi, Ban Tổ chức đã quyết định trao 4 giải nhất, 7 giải nhì, 4 giải ba và 16 giải khuyến khích ở tất cả các lĩnh vực. Các giải pháp tiêu biểu gồm: giải pháp “Bộ phần mềm thành lập bản đồ địa chính” của cử nhân Đặng Minh Tấn, công tác tại Trung tâm Công nghệ thông tin (Sở Tài nguyên-Môi trường) đoạt giải Nhất ở lĩnh vực công nghệ thông tin. Phần mềm đã rút ngắn nhiều lần thời gian làm việc trong việc thành lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất và quy hoạch sử dụng đất, thành lập bản đồ địa hình, hiện đang được ứng dụng có hiệu quả cho nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh. Giải pháp “Nghiên cứu thiết kế chế tạo hệ thống máy cấp gỗ trong dây chuyền sản xuất nguyên liệu giấy” của kỹ sư Nguyễn Văn Dương, Công ty TNHH Văn Dương (TP Quy Nhơn) đoạt giải Nhất ở lĩnh vực cơ khí, tự động hóa... Giải pháp này giúp nâng cao năng suất, giảm sức lao động vận hành, tiết kiệm điện…, hiện được áp dụng tại nhiều nơi trong tỉnh. Giải pháp “Xây dựng mô hình sản xuất cây mai vàng chất lượng cao theo hướng chuyên canh hàng hóa cho mai vàng Nhơn An (thị xã An Nhơn)” của thạc sĩ Lê Thị Kim Đào (Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ Bình Định) đoạt giải Nhì ở lĩnh vực nông ngư nghiệp, bảo vệ môi trường. Giải pháp này đã hoàn thiện và triển khai ứng dụng quy trình kỹ thuật sản xuất cây mai vàng chất lượng cao theo hướng sản xuất sạch hơn; xây dựng mô hình, xây dựng thương hiệu mai vàng Nhơn An. Kết quả thương hiệu mai vàng Nhơn An đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 195162.
Ông Trần Ngoạn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Bình Định, Trưởng Ban tổ chức Hội thi, cho biết: “Kết quả Hội thi STKT tỉnh Bình Định lần thứ VIII phần nào cho thấy phong trào sáng kiến, cải tiến, STKT trong tỉnh ngày càng phát triển sâu rộng. Khả năng sáng tạo, trình độ kỹ thuật, tính hiệu quả và chất lượng phần lớn các giải pháp tốt hơn rõ rệt. Đối tượng dự thi cũng phong phú, có các nhà khoa học, cán bộ lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật, cán bộ giảng dạy đến các thành phần nông dân, công nhân, giáo viên... Tuy nhiên, Hội thi còn một số hạn chế trong công tác tổ chức như: tuyên truyền, phổ biến chưa sâu rộng ở cấp huyện, thành phố; giải pháp dự thi ở các lĩnh vực như xây dựng, giao thông-vận tải, thủy lợi còn ít; lực lượng cán bộ khoa học trẻ tham gia hội thi còn hạn chế, tác giả dự thi thường chỉ tập trung ở các tác giả đã nhiều lần tham gia Hội thi các lần trước... Đây là những bài học sẽ được đúc kết, rút kinh nghiệm trong Hội thi lần sau”.
MAI HỒNG