Hương ước làng góp phần xóa bỏ tệ tảo hôn
Cùng với nhiều giải pháp, việc đưa nội dung ngăn ngừa, xóa bỏ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vào hương ước làng đã cho thấy hiệu quả rõ rệt.
Đông đảo người dân làng Kà Bông, xã Canh Liên (huyện Vân Canh) tham dự buổi tuyên truyền về xóa bỏ tảo hôn do Ban Dân tộc tỉnh tổ chức tháng 10.2019.
Điển hình Kà Bông
Người dân làng Kà Bông (xã Canh Liên, huyện Vân Canh) tạo ấn tượng đẹp cho đoàn công tác của Ban Dân tộc tỉnh khi đến làng tuyên truyền về tảo hôn (ngày 15.10.2019) là họ tham dự rất đông, chật kín cả nhà Rông và lắng nghe đến hết buổi. Gương mặt ai cũng tươi tắn, phấn chấn. Vì đâu có tâm thế ấy, đoàn công tác được vỡ lẽ khi nghe một người dân nói đến thành tích 3 năm liên tục không còn vi phạm về tảo hôn ở mảnh đất heo hút nơi cổng trời này!
“Hương ước do chính đồng bào tham gia, thống nhất xây dựng, bà con lại rất trọng chữ tín, trọng giá trị tinh thần của những cuộc hôn nhân được tổ chức đường hoàng, hợp pháp, theo nghi thức truyền thống, được cộng đồng thừa nhận, chúc phúc...”, ông Ðinh Văn Tâm, Bí thư chi bộ làng Kà Bông cho biết.
“3 năm nay (2017 - 2019), làng đã tăng cường vận động, ngăn ngừa, không để xảy ra tình trạng lấy vợ lấy chồng trước tuổi. Đồng bào phấn khởi với thành tích này lắm và muốn tiếp tục phát huy, đẩy lùi việc lạc hậu ấy, để hướng đến cuộc sống ngày càng văn minh”, ông Đinh Văn Nhân, 62 tuổi, tự hào nói về làng mình.
Tại làng Kà Bông, hôn nhân cận huyết thống đã bị đẩy lùi từ lâu nhưng tảo hôn, từ 3 năm trước, vẫn thỉnh thoảng xảy ra. Từ năm 2017, tích cực thực hiện Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, địa phương đã tập trung, quyết liệt hơn cho công tác này. Theo Trưởng làng Đinh Văn Đoàn, trong số nhiều giải pháp, việc đưa quy định cấm tảo hôn, không thừa nhận hôn nhân tảo hôn vào hương ước làng đóng một vai trò quan trọng và mang lại hiệu quả rõ rệt.
Theo đó, nhà nào tảo hôn làng sẽ phạt 1,5 triệu đồng/người/năm cho đến khi đủ tuổi kết hôn (ngoài ra, người vi phạm vẫn phải bị các hình thức xử lý theo quy định của pháp luật). Với hình thức phạt này làng mong muốn người vi phạm phải nhìn lại hành vi trái pháp luật của mình, đồng thời nhắc nhở người dân sống thượng tôn pháp luật, biết chọn cái đẹp cái hay và bài trừ hủ tục, lạc hậu. Tác động hơn cả việc bị phạt tiền là nỗi buồn không được chính quyền, cộng đồng thừa nhận cuộc hôn nhân. Hương ước làng Kà Bông cấm cán bộ, đảng viên tham gia tổ chức hôn lễ, tham dự những đám cưới tảo hôn, kêu gọi đồng bào thể hiện thông điệp phản đối, không thừa nhận thông qua việc không tham dự.
Theo ông Đinh Văn Tâm, Bí thư chi bộ làng Kà Bông, quy định mạnh mẽ nói trên để tăng hiệu quả răn đe, còn trong quá trình thực hiện chủ yếu là tuyên truyền, kiên trì vận động. Điều đáng mừng, bên cạnh việc phụ huynh ngày càng tiếp thu tiến bộ đời sống, quan tâm hơn đến giáo dục con cái, còn có sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của lớp trẻ, đây được xem là cơ sở cho việc đẩy lùi bền vững tệ tảo hôn.
Hiện làng có trên 300 nhân khẩu, trong đó thanh thiếu niên chưa lập gia đình khoảng 40 người. Không chủ quan với thành tích đã đạt được, việc tuyên truyền xóa bỏ tảo hôn, chấp hành pháp luật về hôn nhân gia đình nói chung luôn được chính quyền địa phương quan tâm.
Hiệu quả từ quy tắc “mềm”
Tại một số địa phương khác được ghi nhận về nỗ lực ngăn ngừa, xóa bỏ tảo hôn, đưa vấn đề này vào hương ước để mọi người dân cùng cam kết thực hiện. Tiêu biểu như làng Hà Văn Trên, xã Canh Thuận - một trong những làng kiểu mẫu, điển hình về nhiều mặt của huyện Vân Canh - từ hơn 10 năm trước khi bắt đầu xây dựng hương ước, làng đã sớm ý thức đưa nội dung bài trừ tảo hôn vào. Mỗi cá nhân, gia đình đều phải chấp hành quy định, cộng đồng đều có trách nhiệm tham gia phòng, chống hành vi lạc hậu, trái pháp luật này. Trong chuyến tuyên truyền kết hợp nắm số liệu về tảo hôn tại làng Hà Văn Trên ngày 17.10, Ban Dân tộc tỉnh cho hay ít nhất trong 5 năm gần đây không có trường hợp nào vi phạm.
Hay tại xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh) - xã điểm thực hiện Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, từ năm 2017 đã bổ sung vào hương ước nội dung giảm thiểu, tiến tới xóa bỏ tảo hôn. Sau 2 năm, vi phạm tảo hôn đã giảm một nửa (từ 10 trường hợp năm 2016 xuống 5 trường hợp năm 2018).
Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Đinh Văn Lung, cho rằng: Hương ước được thiết lập trên tinh thần tự nguyện và vận hành linh hoạt, là “quy tắc mềm” giúp việc thực thi pháp luật, thúc đẩy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm tham gia vì sự văn minh, tiến bộ. Trong đó, thực tế một số địa phương đã phát huy hiệu quả của hương ước đối với việc phòng, chống tảo hôn. Đây cũng là phương thức, giải pháp thực hiện mà Ban Dân tộc tỉnh lưu ý các địa phương trong triển khai đề án trên. Qua đó, hướng đến mục tiêu đến năm 2020 trên địa bàn toàn tỉnh cơ bản không còn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
SAO LY