Nuôi trồng thủy sản trong mùa mưa bão: Nhiều biện pháp bảo vệ
Thời tiết trong mùa mưa bão diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng lớn đến hoạt động nuôi trồng thủy sản. Bởi vậy, bên cạnh việc tuân thủ lịch thời vụ, thực hiện các cảnh báo của ngành chuyên môn, người nuôi thủy sản trong tỉnh đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ thủy sản nuôi, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Ông Lê Văn Hưng, ở KV 9, phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn kiểm tra cá nuôi trên bè của mình.
Theo Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), tính đến tháng 10.2019, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản cả tỉnh đạt hơn 3.700 ha; trong đó diện tích nuôi thủy sản nước ngọt hơn 1.500 ha, còn lại là diện tích nuôi nước lợ.
Riêng nghề nuôi thủy sản bằng lồng bè trên biển tập trung chủ yếu ở TP Quy Nhơn với hơn 100 hộ dân ở KV9, phường Hải Cảng thả nuôi gần 400 nghìn con cá chẽm, cá hồng… trên 188 bè/1.286 lồng nuôi; 162 hộ dân ở các xã Nhơn Hải, Nhơn Châu và phường Ghềnh Ráng thả nuôi gần 500 nghìn con tôm hùm giống và tôm hùm thương phẩm trên 61 bè nuôi.
Các hộ nuôi thủy sản trên biển đã chủ động triển khai các biện pháp nhằm hạn chế thiệt hại do mưa bão gây ra. Ông Lê Văn Hưng, một hộ nuôi cá ở KV 9, phường Hải Cảng, bộc bạch: “Năm nay ít lũ nên lượng bùn dưới đáy nhiều, cá nuôi dễ bị bệnh do bám bùn. Để ngăn ngừa dịch bệnh cho cá nuôi, tôi điều chỉnh lại mật độ nuôi trong các lồng, tăng cường kiểm tra, tắm cá thường xuyên”.
Còn ông Nguyễn Văn Bé, hộ nuôi tôm hùm thương phẩm ở thôn Hải Nam, xã Nhơn Hải, cho hay: “Nhờ chủ động các biện pháp ứng phó mưa bão nên qua đợt bão số 5, số 6 vừa rồi, các hộ nuôi tôm hùm ở đây ít bị thiệt hại. Mùa này nước biển thường xuyên bị vẩn đục, việc lặn để kiểm tra, vệ sinh lồng nuôi khó khăn hơn nên tôi chia nhỏ thức ăn và cho tôm ăn nhiều lần để giảm lượng thức ăn thừa trong lồng, hạn chế dịch bệnh phát sinh”.
Sau khi thu hoạch tôm nuôi vụ 2 vào cuối tháng 9.2019, ông Phạm Hồng Ngoan, ở thôn Hội Tân, xã Nhơn Hội (TP Quy Nhơn) tu bổ lại ao nuôi 6.000m2, thả nuôi 5.000 con cá chim vây vàng. Ngoài sử dụng thức ăn vi sinh cho cá, ông Ngoan chú trọng tăng thời gian chạy máy sục khí liên tục tạo ô xy để cá phát triển tốt.
Theo ông Ngô Văn Đại, một hộ dân nuôi cá lồng bè tại hồ Tân Thắng, xã Cát Hải (huyện Phù Cát), ngoài việc tính toán thời gian nuôi để thu hoạch sản phẩm trước mùa mưa bão, phải tách rời các lồng nuôi, chuyển bè nuôi vào bờ để giảm nhẹ thiệt hại khi có mưa lũ, nước đổ về nhiều. “Tôi vừa mới thả nuôi lại 32.000 con giống cá điêu hồng trong 14 lồng, 50.000 con cá mè trong lòng hồ. Nuôi cá ở thời điểm này, nhiệt độ, độ pH trong nước thường thay đổi đột ngột, cá dễ mắc bệnh nên mình phải thường vệ sinh lồng, bổ sung thêm chất dinh dưỡng, khoáng chất trong khẩu phần ăn của cá để tăng sức đề kháng”, ông Đại cho biết.
Trước mùa mưa bão, Sở NN&PTNT đã có văn bản gửi các đơn vị trực thuộc, chính quyền các địa phương để hướng dẫn người dân nuôi trồng thủy sản thực hiện nhiều giải pháp hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.
Theo ông Nguyễn Văn Quốc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y (Sở NN&PTNT), cùng với việc hướng dẫn người nuôi thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho thủy sản, Chi cục đã cấp phát hơn 30 tấn chlorine hỗ trợ người dân xử lý ao, hồ nuôi thủy sản, ngăn ngừa dịch bệnh. Đồng thời tham mưu Sở NN&PTNT xin thêm 30 tấn chlorine để chuẩn bị cấp phát cho các địa phương xử lý ao, hồ cho vụ nuôi tôm mới trong năm 2020.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc, cho biết: Thời tiết diễn biến bất thường trong mùa mưa bão nên tôm nuôi nước lợ dễ bị ảnh hưởng hơn so với thủy sản nuôi nước ngọt, nuôi biển. Trước bối cảnh đó, người dân ngày càng thêm tin tưởng vào hướng dẫn của ngành chuyên môn và lắng nghe tư vấn của các nhà khoa học. Chúng tôi khuyến cáo người dân nuôi tôm nước lợ trong vùng đầm tăng cường tu sửa bờ ao, tận thu sản phẩm trong tháng 9.2019 để hạn chế thất thoát; vùng nuôi tôm trên cát phải chủ động nguồn nước ao nuôi, áp dụng biện pháp phòng bệnh cho tôm khi thời tiết thay đổi bất thường. Các vùng nuôi thủy sản trên biển, trên lòng hồ thủy lợi chủ động gia cố lồng bè, củng cố lại dây, neo… nhằm giảm thiểu thiệt hại.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN