Cùng chung tay khắc phục hậu quả lũ lụt
Đợt lũ lụt vừa qua đã gây rất nhiều thiệt hại cho hàng chục ngàn hộ dân trên địa bàn tỉnh, trong đó có các tiểu thương tại chợ Bình Định (thị xã An Nhơn) và người trồng rau ở phường Nhơn Phú (TP Quy Nhơn).
Khóc ròng vì lũ lụt
Lũ bắt đầu rút, chúng tôi có mặt tại chợ Bình Định, TX An Nhơn và chứng kiến cảnh tượng hàng chục lều quán, hàng hóa bị nước lũ cuốn trôi. Quần áo, vải vóc nằm ngổn ngang giữa chợ; gạo, nếp, đậu, các loại gia vị sau nhiều ngày ngâm nước bị hư hỏng nặng. Nhiều tiểu thương không cầm được nước mắt vì trắng tay.
Bà Hoàng Thị Thạnh- tiểu thương kinh doanh áo, quần may sẵn tại chợ Bình Định - mếu máo cho biết: “Hết cả rồi, hàng hóa của tôi cái thì lũ cuốn trôi, cái thì bị ướt, dính bùn đất. Hôm đó (tối 15.11-PV), tôi đã cố gắng dùng ghế, gạch đá để kê hàng hóa lên cao cả mét nhưng vẫn không thể thoát được”. Tiểu thương Từ Thị Mỹ Hà xót xa: “Tôi bỏ ra 500 triệu đồng, nhập hàng từ TP Hồ Chí Minh về chuẩn bị cho việc cung ứng thị trường Tết Nguyên đán Giáp Ngọ. Hàng hóa bán chưa được bao nhiều thì nay bị nước lũ làm hư hết trọi. Trắng tay rồi…”.
Theo Ban Quản lý chợ Bình Định, 220 lô - sạp hàng hóa của hơn 200 bà con tiểu thương bị ngập sâu trong lũ, thiệt hại ước tính lên đến hàng tỉ đồng. Hầu hết bà con tiểu thương đều lâm vào cảnh nợ nần. Được biết, chính quyền đã cho lập danh sách tiểu thương bị thiệt hại để báo cáo thị xã xin hướng hỗ trợ cho bà con.
Làng rau Nhơn Phú lao đao
Toàn bộ 135 ha rau màu ở phường Nhơn Phú bị ngập nặng. Gần đây, người trồng rau ở Nhơn Phú đã áp dụng phương pháp canh tác, sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP nên chi phí đầu tư rất cao. Cơn lũ đã cuốn trôi đi tất cả. Mấy ngày nay, lũ rút rồi mà nhiều người vẫn đứng giữa vườn mà thất thần.
Bà Lê Thị Thảo, một hộ trồng rau ở khu vực 2, than thở: “Gia đình tôi có 2 sào đất chuyên trồng xà lách, dưa leo và các loại rau gia vị khác. Trước đợt lũ, tôi bỏ ra hơn 8 triệu đồng để mua giống về trồng. Giờ coi như mất trắng”. Bà Hồ Thị Nữ, cán bộ nông nghiệp phường Nhơn Phú, cho biết: “Đợt lũ vừa qua đã khiến toàn bộ 135 ha trồng rau màu của phường bị hư hại, thiệt hại khoảng 1,4 tỉ đồng. Việc cải tạo ruộng đồng, vườn tược để phục hồi sản xuất gặp rất nhiều khó khăn. Ít ra cũng mất gần 1 tháng mới có thể bắt tay vào vụ rau Tết. Ngoài nguồn ngân sách địa phương, chúng tôi đã xin UBND TP Quy Nhơn hỗ trợ giống, phân bón để bù đắp phần nào đó cho dân”.
Phước Nghĩa - ở nơi còn bị nước lụt chia cắt
Sáng 20.11, chúng tôi có mặt ở xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước. Bờ tràn cầu Sông Tranh vẫn còn ngập trong nước. Tuy nước lụt đã rút khá nhiều nhưng tại hơn một nửa xã, người dân vẫn phải di chuyển bằng sõng. Ông Lê Công Thành, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, tổng thiệt hại ước tính lên đến 5,6 tỉ đồng. Do bị ngập nặng và quá lâu, toàn xã hiện có 1.162 hộ với 3.747 nhân khẩu cần cứu trợ khẩn cấp. Rau màu, ruộng đồng, gia súc, vật nuôi… bị nước lũ cuốn trôi gần như hết sạch. Lúa giống, gạo thóc bị hư hỏng hoàn toàn. Xã có 10,5 ha bị sa bồi, thì ở thôn Thọ Nghĩa - nơi có đê sông Bờ Gò Ông Bịp bị vỡ khoảng 100 m, đã có tới 3,5 ha; các kênh N23, N6, kênh Rộc Xúm đến cầu 15 bị xâm hại, hư hỏng khoảng 1.000m, 2.000 m đê sông bị hư hỏng nặng, đường giao thông bị bong tróc, lở trôi...
Ở Trường tiểu học số 1 xã Phước Nghĩa, thầy cô giáo đang dọn bùn trước cổng trường để sớm đón học sinh trở lại trường. Bà Lê Thị Kim Liễu, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Trường ngập hơn 1m, từ chiều 15.11, học sinh nghỉ tránh lũ từ đó. 105 bộ bàn ghế bị lũ phá hỏng, UBND xã hứa sẽ hỗ trợ kinh phí để nhà trường mua sắm lại… Hiện sách vở của nhiều học sinh bị ướt, hư hỏng, nhà trường sẽ thống kê, hỗ trợ các em học sinh thiếu sách vở để có thể học lại bình thường.
Ngay từ khi lũ bắt đầu rút, xã đã huy động thanh niên xung kích giúp các trường tiểu học, mẫu giáo dọn dẹp để sớm đón học sinh học lại. Trạm Y tế xã cũng đã cấp phát, hướng dẫn nhân dân sử dụng Cloramin B làm sạch nước trước khi sử dụng. Xã đã tiếp nhận, phân bổ 530 suất hàng cứu trợ cho các hộ khó khăn.
TRỌNG LỢI - PHÚC LỘC- NGÔ HỒNG SƠN - HOÀNG NAM QUỐC
Xã Bình Tường (Tây Sơn) là một trong những nơi bị nước lụt tràn về nhanh và sớm nhất. Từ trưa 15.11, toàn bộ các khu dân cư ở xã bị ngập sâu trong nước và bị chia cắt, cô lập. Trước tình hình đó, phương án di dời dân được lãnh đạo địa phương chú trọng hàng đầu. Chiều 15.11, Ban chỉ huy Phòng chống bão lụt và Tìm kiếm cứu nạn của địa phương khẩn trương dùng loa phóng thanh thông báo kêu gọi nhân dân di dời về các điểm cao; đồng thời, huy động sõng đến tận nhà những người già, tàn tật để chở bà con đi tránh lũ. Nhưng có 1 trường hợp khiến tổ cứu hộ rất bực.
Ông Hồ Đức Ái, cán bộ văn phòng UBND xã Bình Tường kể: “Ở xóm 7, thôn Hòa Trung - một xóm trũng nằm ven sông Kôn - có ông Đoàn Cự Phách (75 tuổi) đang bị gãy chân và neo đơn. Khoảng 16 giờ ngày 15.11, xã cử lực lượng đưa sõng tới mời ông lên sõng để di dời. Với tâm lý chủ quan, ông cự cãi, nhất quyết không chịu lên sõng. Lực lượng cứu hộ càng thuyết phục, ông càng to tiếng và nặng lời, làm cho tổ cứu hộ bó tay. Sau khi tổ cứu hộ đi di dời dân ở vùng khác, nước mỗi lúc một dâng nhanh; đến khoảng 20 giờ 30 phút thì nước ngập tới cửa sổ nhà ông, khiến ông phải la làng. Được tin, tuy giận nhưng tổ cứu hộ đã quay lại trong đêm tối. Được giải cứu, ông Phách cười hối lỗi: “Mấy cháu thông cảm, tui sai rầu!”.
HOÀNG CHI