Nỗ lực khôi phục hệ thống giao thông sau lũ
Cơn lũ vừa qua đã gây thiệt hại lớn cho hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh. Hàng trăm km đường, hàng chục cầu cống bị xói trôi, sạt lở nặng, với tổng thiệt hại ước tính trên 400 tỉ đồng. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Đỗ Nguyên Đức, Phó Giám đốc Sở GTVT, về việc khôi phục lại hệ thống giao thông sau lũ.
* Xin ông cho biết về những thiệt hại của hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh ta trong cơn lũ vừa qua?
- Cơn lũ lớn vừa qua đã làm nhiều tuyến giao thông trên địa bàn tỉnh bị hư hại nặng. Nhiều tuyến đường bị ngập sâu, nước tràn qua mặt đường, gây sạt lở nghiêm trọng, dẫn đến ách tắc giao thông trong nhiều giờ liền. Cụ thể, trên quốc lộ (QL) 1, cầu Huỳnh Kim (phường Nhơn Hòa - thị xã An Nhơn) bị xói lở mố cầu phía Nam; cầu Bình Định (phường Bình Định - thị xã An Nhơn) đoạn đường giáp mố cầu phía Nam bị nước lũ cuốn trôi. Trên QL 19 đoạn qua địa phận tỉnh ta cũng có trên 10 điểm bị hư hỏng nặng. Trong đó, đoạn nặng nhất là từ km 49 đến km 50 và đoạn từ km 16 đến km 18. Riêng đèo An Khê có đến 27 vị trí sạt lở mái ta-luy, với chiều dài mỗi vị trí từ 30 - 70 m, tổng khối lượng đất đá sạt lở khoảng vài chục ngàn m3, gây ách tắc giao thông nghiêm trọng.
Hệ thống tỉnh lộ cũng bị hư hỏng nặng. Tuyến ĐT 629 (Bồng Sơn - An Lão) có 5 cống thoát nước bị lũ cuốn trôi, nền đường bị sạt lở nhiều vị trí, mặt đường bị hư hỏng nhiều đoạn, với tổng khối lượng đất đá bị lũ cuốn trôi gần 1.400 m3. Tuyến ĐT 638 (Diêu Trì - Mục Thịnh), nước lũ phá hỏng 7 cống thoát nước, mặt đường bê tông nhựa bị hư 950m2 và nền đường sạt lở, bồi lấp khoảng 11.000 m3. Tuyến ĐT 639 (Nhơn Hội- Tam Quan), nước lũ phá hỏng 11 cống thoát nước, nền đường sạt lở khoảng 15.000 m3 đất đá…
Các tuyến giao thông nông thôn cũng đã bị nước lũ tàn phá, đặc biệt là ở các xã khu Đông của huyện Tuy Phước và các xã miền núi của huyện Vân Canh. Theo thống kê bước đầu, tổng thiệt hại do cơn lũ vừa qua gây ra đối với hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh lên đến trên 400 tỉ đồng. Ngoài ra, một số tuyến đường chưa thống kê được mức độ hư hại do còn bị ngập chìm trong nước lũ.
* Công tác khắc phục hậu quả các tuyến đường bị hư hỏng được ngành GTVT tỉnh triển khai như thế nào, thưa ông?
- Công tác khắc phục hậu quả sau lũ đã được ngành GTVT tỉnh và các địa phương triển khai rất khẩn trương. Ngay trong thời gian lũ lớn, các đơn vị quản lý đường bộ Trung ương và địa phương đã phối hợp với lực lượng Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông khẩn trương cắt cử người túc trực hướng dẫn giao thông tại các vị trí bị hư hỏng, bị ngập lũ và kịp thời khắc phục các sự cố xảy ra.
Tại mố phía Nam cầu Huỳnh Kim, khi phát hiện ra sự cố sạt lở, đơn vị quản lý tuyến đường này đã kịp thời dùng đá hộc đổ xuống để khống chế khả năng tiếp tục gây xói lở của dòng nước và triển khai khôi phục mặt đường bằng cấp phối, kịp thời đảm bảo giao thông. Ngoài ra, các đơn vị quản lý đường cũng đã huy động toàn bộ công nhân tiến hành hốt đất đá do sụt ta-luy; rào chắn các đoạn ngập nước, làm kè đá để bảo vệ nền đường. Sau nhiều giờ nỗ lực khắc phục, đến cuối ngày 16.11, tuyến QL19 đã được thông xe. Tuyến QL1 cũng đã khắc phục bảo đảm thông xe trong ngày này; riêng cầu Bình Định đến cuối ngày 17.11 mới khắc phục xong sự cố, kịp thời đảm bảo giao thông.
Sau khi nước rút, ngành GTVT tỉnh, chính quyền các địa phương cũng đã khẩn trương khắc phục hậu quả trên các tuyến giao thông nông thôn. Đến chiều 19.11, hầu hết những điểm sạt lở ở những đoạn đường mà nước lũ đã rút đều được khôi phục tạm thời, đảm bảo phục vụ việc đi lại, sản xuất, giao lưu hàng hóa của nhân dân. Hiện ngành GTVT tỉnh đang chỉ đạo các đơn vị khẩn trương chèn lót ổ gà, khơi thông cống rãnh nhằm đảm bảo giao thông được thuận tiện và bảo vệ đường. Riêng tuyến ĐT 640 (cầu Ông Đô- Cát Tiến) và một số tuyến đường giao thông nông thôn ở các xã khu Đông Tuy Phước, do nhiều đoạn còn bị ngập trong nước nên chưa khắc phục được. Sở GTVT đang chỉ đạo các đơn vị trong ngành triển khai khắc phục các hư hỏng của tuyến đường này trên tinh thần nước rút đến đâu là sửa chữa, thông đường ngay đến đó.
* Với thiệt hại nặng nề như vậy, ngành GTVT tỉnh có gặp phải khó khăn gì trong việc khắc phục hậu quả?
- Để khắc phục hậu quả do cơn lũ vừa qua gây ra đối với hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh, Sở GTVT đã chỉ đạo các đơn vị quản lý đường tạm thời ứng vốn để kịp thời khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là tỉnh thiếu kinh phí và các đơn vị này cũng thiếu kinh phí. Từ nhiều năm nay, nguồn vốn cấp cho công tác quản lý, bảo trì hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh ta chỉ đáp ứng khoảng 40% yêu cầu, nên không có kinh phí dành cho việc sửa chữa, khắc phục hậu quả lũ lụt. Trong khi đó, mức độ thiệt hại của hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh sau cơn lũ vừa qua là rất lớn, nên công tác khôi phục chỉ mới dừng lại ở việc gia cố, tu sửa tạm thời để đảm bảo giao thông trước mắt. Tuy nhiên, nếu chỉ tạm thời khôi phục như vậy thì chỉ sau chừng vài tháng, hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh sẽ lại hư hỏng nghiêm trọng. Do vậy, hiện Sở GTVT tỉnh đang tiến hành khảo sát lại thực trạng của toàn bộ hệ thống giao thông, tiếp tục kiến nghị Bộ GTVT, UBND tỉnh sớm bố trí và hỗ trợ kinh phí để kịp thời sửa chữa, nhằm tránh những thiệt hại nặng nề về sau.
* Xin cảm ơn ông!
NGỌC THÁI (Thực hiện)