Hướng người mù về phía “ánh sáng”
Ðôi mắt không còn nhìn thấy ánh sáng từ lúc 7 tuổi, nhưng anh Nguyễn Hùng Thanh (SN 1976, ở xã Hoài Tân, huyện Hoài Nhơn) đã vượt qua nghịch cảnh của số phận, trở thành chỗ dựa giúp đỡ nhiều người cùng số phận…
Khi anh Nguyễn Hùng Thanh lên 7 tuổi bị trở sốt cao, ba mẹ anh đã tích cực lo thuốc thang chữa bệnh cho con, mấy ngày sau cơn sốt cũng dần qua. Thế nhưng, anh lại cảm thấy mắt mình đau mỏi và mờ đi từng ngày. Đến khi gia đình biết đó là biến chứng của bệnh ban sởi thì đôi mắt của anh đã không còn cứu chữa được nữa. Khi ấy, anh Thanh đang chuẩn bị vào lớp 1.
Anh tâm sự: “Ngày đó cứ nghĩ đến cảnh bạn bè cắp sách đi học, còn mình lủi thủi ở nhà, mò mẫm giữa bốn bức tường tối thui mà tủi thân, mặc cảm bao trùm. Suốt ngày nhốt mình trong nhà, không muốn đi đâu cả”.
Anh Thanh hướng dẫn cách bấm huyệt, massage cho một học viên khiếm thị.
Không biết có phải là một sự bù đắp cho số phận nghiệt ngã hay không mà khi ánh sáng đôi mắt mất đi, anh Thanh tỏ ra có năng khiếu đặc biệt về âm nhạc. Năm 12 tuổi, gia đình thấy anh mê nhạc nên đã cho anh đi học đàn cò, rồi guitar. Dần dà chàng trai khiếm thị chơi nhạc giỏi lại nhiệt tình tham gia vào nhiều chương trình văn nghệ địa phương, được nhiều người biết đến. Năm 1992, Bí thư Huyện đoàn Hoài Nhơn khi ấy thấy anh bị khiếm thị nhưng có tài nên đề xuất chính quyền tạo điều kiện gửi anh đi học ở Trường Phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu Đà Nẵng. Tại đây, anh vừa học văn hóa vừa học thêm nghề massage. Sau đó, anh theo học Trung cấp sư phạm âm nhạc.
Tốt nghiệp sư phạm, năm 2008 anh Thanh về quê và thành lập cơ sở massage tại đường Trần Cao Vân (TP Quy Nhơn) với tên “Cơ sở khuyết tật Vì hạnh phúc người mù”. Đây cũng là cơ sở massage người mù đầu tiên trong tỉnh. Sau đó bốn năm, anh mở cơ sở thứ hai tại đường 31.3 (TP Quy Nhơn). Suốt một thời gian dài, hai cơ sở giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 20 người khiếm thị, đảm bảo cho họ cuộc sống ổn định với mức thu nhập trung bình hơn 3 triệu đồng/tháng. Cho đến nay, cơ sở của anh cũng đã dạy và truyền nghề cho hơn 100 lượt người khiếm thị. Nhiều người trưởng thành từ cơ sở và đứng ra mở dịch vụ massage riêng, nhân rộng mô hình này.
Từ cơ sở của anh, nhiều người khiếm thị được gặp gỡ, làm việc và xây dựng hạnh phúc gia đình. Anh Phan Đình Việt quê ở huyện Tây Sơn vốn là một tài xế, nhưng một lần bị tai nạn khiến cả khuôn mặt bị biến dạng, đôi mắt mù lòa. Anh Việt nhốt mình trong nhà với nỗi mặc cảm, thậm chí đã nghĩ đến cái chết. Anh Thanh nhiều lần động viên anh Việt tham gia vào lớp học đào tạo nghề của Hội Người mù tỉnh, học chữ Brai (chữ nổi) và được Hội Người mù tỉnh quyên góp kinh phí để phẫu thuật khuôn mặt. Sau đó, Việt được anh Thanh truyền dạy nghề massage, tạo công ăn việc làm. Từ đây, anh Việt cũng đã bén duyên cùng một chị khiếm thị làm cùng cơ sở. “Nhờ có anh Thanh mà chúng tôi có cơ hội làm việc, có thu nhập trang trải cuộc sống và trợ giúp gia đình. Tự tin hơn để hòa nhập cộng đồng”, anh Việt trải lòng.
Ngoài quán xuyến cơ sở massage, từ năm 2009 đến nay anh còn đương nhiệm Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh. Mới đầu tháng 11 vừa rồi, anh được bầu làm Chủ tịch Hội Người mù tỉnh. Dù bận bịu công tác hội nhưng khi biết đến một hoàn cảnh khó khăn nào đó cần sự giúp đỡ, anh luôn dốc lòng.
Có lần, biết tin cô Nguyễn Thị Sương, ở phường Trần Hưng Đạo (TP Quy Nhơn) mắc chứng bệnh động kinh lại đang nuôi con gái bị bệnh tan máu bẩm sinh, mỗi tháng phải thay máu một lần để duy trì sự sống, anh Thanh đã tìm đến tận nhà gửi quà hỗ trợ và kêu gọi giúp đỡ. Năm nào anh cũng “lặn lội” đến các địa phương xa trong tỉnh để hỗ trợ giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn như người già neo đơn, người khiếm thị, những trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số mồ côi...
“Những thân phận thiệt thòi còn nhiều, tôi mong muốn có thể giúp được nhiều người hơn nữa. Sắp đến, Hội Người mù tỉnh sẽ cố gắng thành lập mạng lưới chi hội cấp huyện, phối hợp với các cơ sở ban ngành địa phương rà soát những đối tượng người mù có hoàn cảnh khó khăn và mở rộng đối tượng không chỉ trong phạm vi người khiếm thị để kịp thời giúp đỡ. Giúp được gì thì giúp, họ cũng như mình ngày xưa thôi…”, anh Thanh chia sẻ.
ĐỨC LINH