Xuất khẩu lao động ở Hoài Ân: Không chỉ thoát nghèo
Ở Hoài Ân không ít con em gia đình nghèo đã chọn cách đi xuất khẩu lao động để cải thiện cuộc sống. Và thực tế cho thấy, hầu hết các trường hợp này đều có kết quả như kỳ vọng. Một số gia đình đã không chỉ thoát nghèo mà còn tạo được sinh kế bền vững.
Hiệu quả
Sau nhiều năm chịu trận, cảnh nhà ngập, nhà dột ở gia đình ông Trần Văn Tư (SN 1964, ở thôn Bình Sơn, xã Ân Nghĩa) đã chấm dứt khi giữa năm 2019, họ xây được căn nhà cấp 4 kiên cố từ nguồn tiền gửi về của con trai Trần Minh Nhi đang lao động bên Nhật Bản. “Hơn nửa đời người mới xây được nhà cửa ổn định. Tổng cộng số tiền xây nhà 280 triệu đồng đều là của Nhi gửi về”, ông Tư xúc động chia sẻ.
Vợ chồng ông Trần Văn Tư khẳng định, sẽ chẳng thể có ngôi nhà vững chãi này nếu không nhờ con trai Trần Minh Nhi đi XKLĐ ở Nhật Bản gửi tiền về.
Ngồi cạnh, vợ ông Tư - bà Đặng Thị Lan cũng bùi ngùi. Là hộ nghèo, có con bị bệnh về thần kinh, bà Lan lại bị tiểu đường nặng, nên dù tiện tặn nhưng nhiều năm gia đình họ vẫn chưa tìm được lối thoát nghèo. Sang Nhật Bản chỉ trong vòng hơn 1 năm, ngoài xây nhà, Nhi đã trả khoản nợ vay 95 triệu đồng chi phí đi xuất khẩu lao động (XKLĐ), hỗ trợ mẹ và em điều trị bệnh… Kinh tế gia đình cải thiện rõ rệt, năm 2018 gia đình bà Lan được đưa ra khỏi diện hộ nghèo.
Tại xã Ân Tường Tây, địa phương nhiều năm dẫn đầu huyện về số lượng XKLĐ, chỉ riêng thôn Phú Khương đã có 5 hộ nghèo, cận nghèo thoát nghèo nhanh nhờ có con đi lao động ở Nhật Bản. Tiêu biểu như hộ bà Nguyễn Thị Dự, cả hai con là Đỗ Thành Kha và Đỗ Thị Thu Hà đều tham gia, trong đó Kha đang đi lần 2, Hà chưa hết hạn (lần 1) nhưng đã có ý định sẽ xin tiếp tục.
Bà Dự tâm sự: “Công sức lao động của con, sau khi trả hết chi phí đi XKLĐ, vợ chồng đầu tư 200 triệu đồng xây hệ thống chuồng trại nuôi heo số lượng lớn. Việc chăn nuôi thuận lợi, chúng tôi sửa sang lại nhà cửa. Ngoài ra, còn mua được cho mỗi đứa 1 lô đất, sau này cho chúng ra riêng khi lập gia đình. Thật sự, gia đình không dám nghĩ lại có thể tạo dựng được cơ ngơi trong thời gian ngắn như vậy. Quá phấn khởi, chúng tôi thống nhất xin ra khỏi hộ cận nghèo để nhường chính sách ưu tiên cho những người khó khăn hơn”.
Cách nhà bà Dự vài trăm mét, gia đình ông Đỗ Liêm cũng có hai con gái đi XKLĐ tại Nhật Bản. Trong đó, Đỗ Thị Kim Phụng mới hết hạn về nước hơn 1 tháng (hiện ở TP Hồ Chí Minh, học ngoại ngữ để tiếp tục đi), còn Đỗ Thị Kim Mai đang làm việc bên Nhật Bản. Vợ chồng ông Liêm vừa làm nông vừa đi thu mua ve chai. Từ một hộ nghèo vươn dần lên cận nghèo, “bước ngoặt” thoát nghèo bền vững là sau khi hai con tham gia XKLĐ. Trong năm nay, ông bà đã xây dựng được ngôi nhà 2 tầng bề thế. Sát nhà ông Liêm, nhà bà Phan Thị Sen trước đây cũng là 1 hộ cận nghèo, từ khi con gái Phan Thị Trinh tham gia XKLĐ gửi tiền về hỗ trợ, gia đình đã thoát nghèo, sửa sang được nhà cửa ổn định, có vốn làm ăn phát triển kinh tế gia đình.
Góp phần thay đổi quê hương
Thống kê của UBND xã Ân Tường Tây, đến tháng 11.2019, toàn xã có 266 người đi XKLĐ, nhiều nhất là thôn Phú Hữu 2 (75 người), kế đến là thôn Phú Hữu 1 (63 người)... Là địa phương triển khai công tác XKLĐ sớm và hiệu quả hàng đầu ở huyện và cả tỉnh, theo Phó Chủ tịch UBND xã Ân Tường Tây Trần Thanh Sơn, thực tiễn cho thấy tham gia XKLĐ hợp pháp là con đường ngắn và hiệu quả để thoát nghèo và tích lũy được nguồn vốn khá lớn để từ đó có điều kiện khởi nghiệp, đầu tư sản xuất, kinh doanh, tiếp tục đưa kinh tế gia đình đi lên. Thôn Phú Hữu 2 - từ một thôn đặc biệt khó khăn - đã thoát khỏi diện khó khăn vào năm 2012.
Bên cạnh diện mạo địa phương thay đổi tích cực nhờ tác động của việc người dân tham gia XKLĐ, bản thân mỗi gia đình có con em đi làm việc ở nước ngoài cũng thể hiện sự chắt chiu và phát huy hiệu quả công sức lao động. Bên cạnh đó, các gia đình cũng dành sự quan tâm thấu đáo đến việc nhắc nhở, động viên con em mình trong chấp hành pháp luật lao động và sinh sống hòa đồng, gương mẫu tại nước sở tại.
Bà Đặng Thị Lan kể, Mồng Năm tháng 5 âm lịch năm nay, bất ngờ thấy Trần Minh Nhi về thăm nhà, thoạt tiên ông bà rất lo lắng. Nhưng rồi thở phào khi con cho biết, nhờ cần cù làm việc, anh đã được chủ lao động quý mến nên đã tặng vé máy bay khứ hồi để về thăm nhà nhân dịp tân gia. “Mỗi lần liên lạc, chúng tôi đều căn dặn con, mình dân Bình Định chất phác, nhất định phải làm việc tuân thủ hợp đồng, đừng ham cái lợi trước mắt mà nhảy ra ngoài làm chui, không chỉ lỡ gặp bất trắc thiệt thân mà còn ảnh hưởng đến lợi ích chung, hình ảnh của đất nước”, bà Lan bày tỏ.
SAO LY