Đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật đến vùng sâu, vùng xa
Việc đưa các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân thông qua công tác tuyên truyền pháp luật đã và đang mang lại kết quả tích cực. đó là ý thức tôn trọng pháp luật và hình thành nếp sống, làm việc theo pháp luật của người dân đã có sự chuyển biến rõ rệt.
Bỏ một buổi đi rừng để nghe nói chuyện pháp luật
Nhà sinh hoạt cộng đồng xã Ân Sơn, huyện Hoài Ân hôm ấy có khá nhiều người đến để nghe trợ giúp viên pháp lý của chi nhánh trợ giúp pháp lý số 4 (thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh) tư vấn pháp luật. Anh Đinh Văn Đen bày tỏ: “Nghe thông báo hôm nay cán bộ về tư vấn pháp luật, giải đáp những thắc mắc của bà con nên tôi cũng tranh thủ việc nhà đến xem sao, vì tôi cũng đang có thắc mắc cần tìm hiểu”.
Chuyện anh Đen cần giải đáp là việc hai vợ chồng anh về sống chung với nhau gần 5 năm nay và đã có với nhau một mặt con, song chưa có đăng ký kết hôn và đăng ký khai sinh cho con. Anh Đen nói: “Chúng tôi tuy chưa làm kết hôn nhưng vẫn sống yêu thương nhau, vậy có cần thiết phải làm giấy kết hôn không và bây giờ con chúng tôi không làm được giấy khai sinh liệu có bị thua thiệt gì không? Tôi chỉ thắc mắc bấy nhiêu đó thôi”.
Sau khi được trợ giúp viên tư vấn kỹ lưỡng từng vấn đề, anh Đen tỏ vẻ bối rối: “Thì ra có giấy khai sinh thì những quyền lợi của con tôi mới được đảm bảo đầy đủ. Vậy mà, bấy lâu nay tôi cứ cho rằng cán bộ chỗ tôi bày chuyện làm khó dân, lần này thì tôi thông rồi”.
Trường hợp của vợ chồng anh Đen sở dĩ chưa được giải quyết là do cán bộ tư pháp căn cứ vào quy định người mẹ phải có nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, hay tạm trú thì mới làm khai sinh cho con, trong khi vợ của anh Đen sống ở Gia Lai rồi chuyển đến Ân Sơn sinh sống trong một thời gian dài mà không có đăng ký tạm trú. Trước trường hợp này, trợ giúp viên đã tư vấn cho cả anh Đen và cán bộ tư pháp - hộ tịch xã Ân Sơn, chỉ cần xác định nơi trẻ sinh ra để làm căn cứ khai sinh cho trẻ là được.
Ngoài những thắc mắc về hôn nhân gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, ATGT, nhu cầu tư vấn về đất đai cũng được bà con quan tâm khá nhiều. Từ những câu hỏi xuất phát từ cuộc sống của người dân, trợ giúp viên nhiệt tình giải thích từng vấn đề một để người dân hiểu rõ, giải tỏa được bức xúc. Ông Đinh Văn Trí, cán bộ tư pháp - hộ tịch xã Ân Sơn, cho biết, trước đó một ngày, ông đã thông báo chương trình trợ giúp pháp lý để bà con biết: “Ở đây, bà con rất thích nghe cán bộ nói về các chủ trương, chính sách, pháp luật có liên quan đến mình. Bà con không ngại bỏ một buổi đi rừng để tập trung nghe cán bộ nói đúng điều mình đang cần tìm hiểu, nhằm thực hiện cho đúng và nhắc nhở người khác cùng thực hiện”.
Tuyên truyền pháp luật phải sát nhu cầu thực tế
Nhu cầu tìm hiểu và trợ giúp pháp lý trong dân khá nhiều và đa dạng, song tập trung nhất là ở các lĩnh vực: hôn nhân gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình; luật đất đai; ATGT. Nhờ làm tốt công tác tiền trạm, nên người dân ở An Lão và Hoài Ân biết nhiều đến hoạt động trợ giúp pháp lý của Chi nhánh trợ giúp pháp lý số 4 (phụ trách 2 huyện An Lão và Hoài Ân), từ đó quan tâm tìm hiểu và nhờ tư vấn.
Cụ thể, từ đầu năm đến nay, Chi nhánh trợ giúp pháp lý số 4 đã tiếp nhận và tư vấn gần 500 vụ việc, trong đó có 110 trường hợp người dân tự tìm đến chi nhánh để được tư vấn (tăng 20 trường hợp so với cùng kỳ), nội dung chủ yếu là về hôn nhân gia đình, ATGT và trợ giúp tham gia tố tụng. Điều này cho thấy, người dân, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số, đã ý thức được quyền và nghĩa vụ của mình trong việc thực thi các quy định của pháp luật.
Gắn bó với công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật đến người dân, nhất là người dân tộc thiểu số, ông Phạm Minh Vương, Trưởng chi nhánh trợ giúp pháp lý số 4, đúc kết: “Trước khi đến mỗi khu vực, địa phương để tư vấn, chúng tôi luôn nắm rõ người dân cần gì, muốn gì và hiểu biết như thế nào về pháp luật, từ đó có phương thức tuyên truyền thích hợp, đồng thời nội dung tuyên truyền phải ngắn gọn, sinh động, dễ nhớ, để giúp bà con tự giác thực hiện đúng”.
KIỀU ANH