DN thủy sản lo thiếu nguyên liệu, xuất khẩu gặp khó
Theo thống kê của Sở Công Thương, đến thời điểm này, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh đạt 71,2 triệu USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, các DN chế biến, xuất khẩu thủy sản của tỉnh đang gặp không ít khó khăn.
Toàn tỉnh có 4 DN chế biến, xuất khẩu thủy sản, gồm: Công ty CP Thủy sản Bình Định, Công ty CP Đông lạnh Quy Nhơn, Công ty CP Thực phẩm xuất nhập khẩu Lam Sơn và Công ty CP Thủy sản Hoài Nhơn. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của các DN là hải sản đông và tôm đông lạnh; trong đó, mặt hàng hải sản đông chiếm tỷ trọng 76,2% trong kim ngạch xuất khẩu thủy sản, mặt hàng tôm đông lạnh chỉ chiếm 23,8%.
Chế biến cá ngừ đại dương xuất khẩu tại Công ty CP Thủy sản Bình Định.
Theo ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công Thương, tính đến tháng 11.2019, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh sang thị trường châu Âu (EU) đạt 26,7 triệu USD, giảm 16,7% so với cùng kỳ năm 2018. “Thẻ vàng” về thủy sản của Ủy ban châu Âu (EC) đối với Việt Nam không chỉ gây khó cho các DN xuất khẩu thủy sản sang EU, mà cả các thị trường khác. Đơn cử như các DN xuất khẩu mặt hàng tôm đông lạnh sang Hồng Kông, Hàn Quốc, Trung Quốc trong năm nay cũng giảm khoảng 30% kim ngạch xuất khẩu do vướng các rào cản kỹ thuật.
Ðể phát triển bền vững, tự thân các DN thủy sản phải đổi mới công nghệ, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Bình Ðịnh cũng đang triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ “thẻ vàng” của EC, ngành Công Thương sẽ tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ các DN tăng cường liên kết chuỗi sản xuất, nghiên cứu thị trường, phân tích các quy định, yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm... để tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng, phù hợp từng thị trường.
Giám đốc Sở Công Thương Ngô Văn Tổng
Công ty CP Đông lạnh Quy Nhơn bình quân mỗi năm xuất khẩu hơn 1.000 tấn tôm đông lạnh sang thị trường các nước ASEAN, Hàn Quốc, EU. Lâu nay DN mua gom tôm nguyên liệu tại Bình Định, Phú Yên, nhưng do giá nguyên liệu tăng cao, thị trường xuất khẩu cạnh tranh về giá nên DN gặp khó. Ông Võ Minh Phương, Phó Giám đốc Công ty, phân tích: “Do giá tôm nuôi vụ 1 thấp, người nuôi không có lãi nên đến vụ 2 thì họ nuôi ít hơn, sản lượng tôm giảm, giá lại tăng. Trong khi đó, DN mua tôm nguyên liệu giá cao, nhưng phải cạnh tranh về nguyên liệu chế biến, giá sản phẩm xuất khẩu với nhiều đối tác khác khiến doanh thu của DN không cao. Đến nay chỉ xuất khẩu được khoảng 700 tấn tôm, mới đạt khoảng 70% kế hoạch năm”.
Còn ông Tạ Văn Nga, Giám đốc Xí nghiệp chế biến thủy sản Tam Quan (thuộc Công ty CP Thủy sản Hoài Nhơn), cho biết: “Cách đây 2 tháng giá tôm nguyên liệu chỉ khoảng 90.000 đồng/kg, nay tăng lên 110 nghìn đồng/kg, nhưng do cuối vụ nên không khan hiếm. Mặc dù đã dự trữ nguyên liệu sản xuất, nhưng năm nay thị trường xuất khẩu của DN sang Hồng Kông, Trung Quốc cũng bị chững lại”.
Công ty CP Thủy sản Bình Định (BIDIFISCO) chuyên xuất khẩu mặt hàng hải sản; trong đó sản phẩm cá ngừ đại dương chiếm từ 70 - 80%, nhưng nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng từ 30 - 35%, còn lại DN phải nhập khẩu. Theo bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty, do bị “thẻ vàng” của EC, các lô hàng thủy sản xuất khẩu sang EU bị kiểm tra với tần suất tới 70 - 80%, khiến cho thời gian thông quan hàng kéo dài tới 10 - 15 ngày/lô hàng, thậm chí đến 20 ngày, chi phí tăng lên đến 15 - 20%. Do vậy DN giảm xuất khẩu sang EU, tăng xuất khẩu sang thị trường Mỹ và các nước Trung Đông, đồng thời tham dự các đợt hội chợ, quảng bá sản phẩm để cạnh tranh, chào hàng các đối tác.
Trước những khó khăn, ngoài việc nâng cao khả năng cạnh tranh xuất khẩu, các DN đang nỗ lực tìm kiếm đầu ra các sản phẩm thủy sản mới phù hợp nhu cầu về nguyên liệu. Ông Võ Minh Phương cho hay: “Ngoài sản phẩm chính là tôm đông lạnh để xuất khẩu, hiện DN đang chế biến thêm một số sản phẩm cá, mực…để đa dạng hóa sản phẩm, liên kết với các DN khác tiêu thụ, phục vụ thị trường nội địa, nhằm tăng doanh thu”.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN