Giữ lại nghề gốm Vĩnh Trường
Nghề làm gốm ở thôn Vĩnh Trường, xã Cát Hanh (Phù Cát) tuy không còn thịnh như trước đây, nhưng người làm gốm nơi đây vẫn hàng ngày miệt mài với công việc để tạo ra những sản phẩm gốm truyền thống cung cấp cho người tiêu dùng.
Bà Trần Thị Xuân Hường đang tạo ra các sản phẩm từ đất. Ảnh: K.SON
Nghề làm gốm ở Vĩnh Trường có từ khá lâu, dù trải qua bao thăng trầm, biến cố của thời gian nhưng vẫn có sức sống mãnh liệt, nhờ niềm đam mê và tâm huyết giữ nghiệp tiền nhân của những người thợ hôm nay. Tuy nhiên, hiện các sản phẩm truyền thống làm từ đất nung ít được ưa chuộng nên không được tiêu thụ mạnh như trước. Hiện nay, cả thôn chỉ còn lại hơn 10 hộ dân sống bằng nghề này, với những sản phẩm chủ yếu là: chậu, vò, ấm, nồi, niêu, lò… với đủ kích cỡ và hình dáng khác nhau.
Bà Phan Thị Tư (47 tuổi), có gần 20 năm gắn bó với nghề, cho biết: “Vì không có khuôn đúc sẵn nên để có được một sản phẩm gốm đẹp, người thợ phải bỏ ra rất nhiều công sức, trải qua nhiều công đoạn như: đập đất, nhào đất, nắn đất để tạo hình sản phẩm, sau đó đem phơi vừa khô, làm bóng sản phẩm, rồi phơi khô và cho sản phẩm vào lò để nung. Công đoạn nung cũng phải tỉ mỉ để sản phẩm đạt yêu cầu, không bị hư hao”.
Cũng giống như bà Tư, vợ chồng bà Trần Thị Xuân Hường có gần 30 năm gắn bó nghề, dù trải qua rất nhiều sóng gió, thăng trầm. “Nghề này vất vả nhất là công đoạn giã đất và rây đất thành bột. Tuy tốn nhiều công sức nhưng chúng tôi luôn ý thức phải làm ra những sản phẩm đẹp và bền”, bà Hường chia sẻ.
Hiện mỗi tháng làng gốm Vĩnh Trường đưa ra thị trường khoảng 7.500 - 8.000 sản phẩm các loại. Hàng được cung cấp cho các đại lý bán tạp hóa ở An Nhơn, Quy Nhơn hoặc bán lẻ ở chợ… Nghề này đem lại thu nhập tương đối ổn định cho người dân nơi đây, bình quân từ 80.000 đến 100.000 đồng/người/ngày. Tuy số tiền không lớn nhưng đối với những người nông dân quanh năm chỉ trông chờ vào cây lúa, cây mì thì đây là một khoản thu nhập ổn định, giúp họ có cuộc sống tốt hơn.
Ông Võ Văn Sáu, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Hanh, cho biết: “Trong các dự án phát triển kinh tế ở địa phương thời gian tới, xã sẽ ưu tiên đầu tư, hỗ trợ vốn cho các hộ gia đình làm gốm ở Vĩnh Trường để họ đầu tư mở rộng quy mô, tạo ra các sản phẩm đặc trưng của làng nghề, đáp ứng yêu cầu của nhiều người tiêu dùng, để giữ cho được nghề gốm truyền thống nơi đây”.
KIM SON