Kỷ niệm 68 năm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23.11.1945 - 23.11.2013):
Đưa hiện vật trong dân vào bảo tàng
Hiến tặng hiện vật cho bảo tàng là nét mới đáng chú ý trong công tác bảo tàng ở nhiều địa phương trong nước những năm gần đây. Đây là hoạt động thiết thực nhằm giữ gìn, phát huy giá trị hiện vật và nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ di sản trong nhân dân. Tại Bình Định, nhiều kỷ vật của các tổ chức, gia đình và cá nhân đã trở thành hiện vật bảo tàng.
Không bán, không giữ cho riêng mình
Tháng 10.2013, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh vui mừng đón nhận một lượng lớn hiện vật có giá trị do Trung tâm UNESCO nghiên cứu, bảo tồn cổ vật Việt Nam hiến tặng. 165 cổ vật được trao tặng, gồm: cổ vật văn hóa Đông Sơn (dụng cụ lao động sản xuất bằng đồng, sắt; các vật dụng như cốc, nồi, thạp bằng đồng, gốm), cổ vật thời Lý - Trần, thời Lê - Mạc (gốm, gốm đất nung như bát, đĩa, liễn, âu, hũ, vò, quai yên ngựa, đầu rồng…) và bộ sưu tập gồm 48 đồng tiền cổ thời Tây Sơn. Đây là lần thứ 2 trung tâm này hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng Tổng hợp tỉnh (lần đầu vào năm 2008).
Là bảo tàng chuyên đề loại II trong hệ thống bảo tàng cả nước, một phần nhỏ trong tổng số 11.615 hiện vật, tư liệu trưng bày tại Bảo tàng Quang Trung có được từ nguồn hiến tặng. Cuối tháng 11.2011, ông Lâm Dũ Xênh - một nhà sưu tập cổ vật ở tỉnh Quảng Ngãi hiến tặng cho Bảo tàng Quang Trung 21 thanh kiếm sắt thời Tây Sơn vốn được tìm thấy ở Gò Kho, vùng căn cứ Tây Sơn thượng đạo (thuộc thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai). Ngoài ra, theo bà Nguyễn Thị Thìn, Phó Giám đốc Bảo tàng Quang Trung, việc hiến tặng còn thể hiện thông qua hình thức tài trợ kinh phí để sưu tầm hiện vật. Năm 2008, Bảo tàng Quang Trung cũng đã được bổ sung hơn 300 hiện vật nhờ nguồn tài trợ kinh phí lẫn trực tiếp tham gia sưu tầm của một doanh nghiệp tư nhân.
Kết thúc đợt vận động sưu tầm, hiến tặng hiện vật về “tam nông” năm 2013, Hội Nông dân tỉnh tiếp nhận 48 hiện vật. Trước đó, đợt sưu tầm trong năm 2012, Hội đã tiếp nhận trên 100 hiện vật. Được biết, công tác này sẽ còn tiếp tục được vận động, triển khai.
Cần phát động, vận động hiến tặng hiện vật quy mô lớn
Chủ động liên hệ và lập tức được đón nhận, việc bàn giao kỷ vật thời chiến giữa gia đình bà Trần Thị Tâm (ở TP Quy Nhơn) và Bảo tàng Tổng hợp tỉnh diễn ra đầm ấm, xúc động. Ngày 19.11, 6 tấm bản đồ, sơ đồ về thị xã Quy Nhơn; khẩu súng K54 cùng đạn, thắt lưng… - những vật “bất ly thân” với chồng bà Tâm - ông Trương Xuân Khảm trong những năm ông tham gia kháng chiến chống Mỹ, được chính tay người vợ đưa vào bảo tàng. Ông Khảm qua đời đã hơn 3 năm, như giải thích cho việc mình làm, bà Tâm nói: “Thời chồng tôi còn sống, ông và các bạn bè, đồng đội mỗi khi gặp lại thường lần giở những kỷ vật thời chiến này ra xem, ôn lại năm tháng chiến đấu gian lao, anh dũng. Tôi nghĩ, thay vì cất giữ trong tủ nhà mình, ít người biết, sao không mang tặng cho bảo tàng để kỷ vật có đời sống rộng lớn và ý nghĩa hơn?”.
Ở tỉnh ta, việc người dân chủ động mang hiện vật, kỷ vật đến hiến tặng cho bảo tàng như gia đình bà Tâm không nhiều. Hiện vật ở các bảo tàng Bình Định chủ yếu do các nhà sưu tầm cổ vật, nhà hảo tâm hiến tặng. Ông Đinh Bá Hòa, Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, lý giải: “Từ trước đến nay, trong tỉnh ta chưa tổ chức một cuộc vận động, phát động hiến tặng hiện vật trên quy mô rộng lớn. Do đó, chưa nhận được sự quan tâm, hưởng ứng mạnh mẽ từ người dân trong tỉnh”.
Có thể thấy, thông qua hoạt động tuyên truyền, vận động, tổ chức phát động hiến tặng hiện vật cho bảo tàng công lập, sẽ khơi dậy trong nhân dân ý thức về cội nguồn, lịch sử, trách nhiệm bảo tồn, phát huy di sản. Để thúc đẩy hoạt động này, rất cần những việc làm cụ thể mang tính “kích hoạt”. Tại Đà Nẵng, Huế, Điện Biên…, đã tổ chức những cuộc phát động hiến tặng hiện vật cho bảo tàng địa phương trên quy mô cả nước, tạo thành ngày hội toàn dân bảo vệ di sản và đã thu về hàng trăm hiện vật có giá trị do chính nhân dân những tỉnh này tự nguyện hiến tặng.
Tối 19.11, Việt Nam đã trúng cử trong cuộc bầu chọn và lần đầu tiên trở thành thành viên Ủy ban liên chính phủ của Công ước 1972 về Di sản thế giới. Đây là cơ quan có quyền quyết định có công nhận hay không các hồ sơ di sản của tất cả các quốc gia đệ trình lên. Với việc tham gia Ủy ban Di sản, Việt Nam sẽ cùng tham gia đôn đốc thực hiện Công ước 1972 đối với 190 nước thành viên của công ước. Việt Nam cũng sẽ tham gia xét duyệt các hồ sơ di sản được tất cả các nước đệ trình lên Ủy ban Di sản (khoảng 40-60 hồ sơ mỗi năm). Việt Nam cũng sẽ phải suy nghĩ cách thức tham gia Ủy ban sao cho hiệu quả, để phát huy được vị trí quan trọng mà chúng ta vừa được bầu chọn.
SAO LY