Khó phát triển ngoại khoa tuyến huyện: “Ðiểm nghẽn” nhân lực bác sĩ
Ngoại khoa được xem là mũi nhọn để các cơ sở y tế tuyến huyện phát triển, giảm chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Thế nhưng, nhiều năm nay, các cơ sở y tế tuyến huyện gặp nhiều khó khăn, ì ạch trong phát triển ngoại khoa.
Bác sĩ - nhân lực mang tính quyết định triển khai kỹ thuật trình độ cao trong lĩnh vực ngoại khoa, nhưng đến thời điểm này, đây cũng là điểm yếu nhất của các cơ sở y tế tuyến huyện.
Ca phẫu thuật nội soi tại TTYT TX An Nhơn.
Khó như... bác sĩ
Với 4 bác sĩ ngoại khoa, TTYT TX An Nhơn là một trong số ít cơ sở y tế tuyến huyện triển khai các kỹ thuật phẫu thuật nội soi ruột thừa, kết hợp xương… Từ năm 2016 đến nay, khoảng 400 ca mổ nội soi ở đây đều an toàn, không có biến chứng sau phẫu thuật, tạo được niềm tin đối với người bệnh. Việc thực hiện thành công nhiều kỹ thuật mới đã giảm chi phí đi lại cho người bệnh, giảm số lượng bệnh nhân chuyển lên tuyến trên, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ngay tại địa phương. Hiện, sau bác sĩ Võ Thanh Du, TTYT TX An Nhơn đang tiếp tục đào tạo phẫu thuật nội soi cho bác sĩ khác. Dù vậy, Giám đốc TTYT TX An Nhơn Lê Thái Bình cho hay, phẫu thuật ngoại khoa, đặc biệt với nội soi không phải bác sĩ nào cũng có thể thực hiện được. Trong 4 bác sĩ khoa Ngoại, “đứng” được phòng mổ nội soi chỉ có 2 bác sĩ.
Ngay TTYT TP Quy Nhơn khá mạnh về ngoại khoa, với nhiều phẫu thuật nội soi, kết hợp xương, tiết niệu, tiêu hóa… được triển khai thành công. Tuy nhiên, bác sĩ Mang Đức Tiến Hoan - Trưởng khoa Ngoại thừa nhận, chỉ dừng ở những ca phẫu thuật nội soi đơn giản như ruột thừa, túi mật, nang gan… Danh mục kỹ thuật hệ Ngoại, đơn vị cũng chỉ triển khai được hơn một nửa. “6 bác sĩ của khoa Ngoại chỉ có 2 bác sĩ phẫu thuật được nội soi, số bác sĩ trẻ còn lại đều trong giai đoạn đào tạo. Thiếu bác sĩ, bệnh viện hợp đồng bác sĩ đã về hưu để triển khai ngoại tiết niệu. Để làm được hết kỹ thuật, chúng tôi buộc phải có thêm 5 bác sĩ nữa, chưa kể thời gian đào tạo vài năm mới đủ cho các bác sĩ trẻ đủ trình độ, tự tin phẫu thuật”, bác sĩ Mang Đức Tiến Hoan cho biết.
Hiện, ngoài TTYT TP Quy Nhơn, An Nhơn đã thực hiện nhiều phẫu thuật ngoại khoa thì các cơ sở y tế tuyến huyện khác vẫn chưa phát triển được kỹ thuật ngoại khoa nào.
Triển khai phẫu thuật kết hợp xương từ năm 2010 đối với một số trường hợp gãy xương đơn giản như xương cánh tay, xương bánh chè, xương đòn... nhưng đến nay TTYT huyện Phù Cát “trống” hoàn toàn mảng này. Nguyên nhân là 3 bác sĩ hiện có, người cứng tay nghề nhất rơi vào bác sĩ đã nghỉ hưu được ký hợp đồng làm việc lại (bác sĩ Mạc Thị Tho - nguyên trưởng khoa Ngoại). “Hệ ngoại của bệnh viện hiện rất khó phát triển vì không có bác sĩ trình độ tay nghề cao. Để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, chúng tôi đành phải chuyển phần lớn bệnh nhân lên tuyến trên, chỉ giữ lại giải quyết các ca TNGT, tai nạn lao động”, Giám đốc TTYT huyện Phù Cát Võ Văn Chí tâm tư.
Tương tự, TTYT huyện Hoài Nhơn đến nay không triển khai được kỹ thuật ngoại khoa nào khi cả khoa Ngoại duy nhất có 1 bác sĩ. Đơn vị đã cử nhân lực tại chỗ đi đào tạo, nhưng thực chất chỉ dừng ở mức “phụ giúp” giải quyết ca bệnh cơ bản. Giám đốc Trung tâm Trần Hữu Vinh cho hay: “Tuyến huyện muốn phát triển thêm nhiều kỹ thuật ngoại khoa lắm nhưng “lực bất tòng tâm”. Với đội ngũ bác sĩ còn thiếu, phải dồn lực để khám, chữa bệnh là chính, ca bệnh nặng đều phải chuyển lên BVĐK khu vực Bồng Sơn”.
Bác sĩ khoa Ngoại TTYT TP Quy Nhơn nhận hỗ trợ phẫu thuật chấn thương chỉnh hình của bác sĩ Tổ chức Ủy thác Tân Tây Lan - Việt Nam.
Cơ sở y tế cũng không “mặn mà”
Nhiều năm nay, Sở Y tế đã tìm giải pháp bổ sung nguồn lực cho các TTYT huyện, thị xã, thành phố bằng việc bố trí công tác cho các bác sĩ theo học chương trình đào tạo bác sĩ theo địa chỉ sử dụng. Tuy nhiên, để có một bác sĩ ngoại khoa là không dễ dàng.
Bác sĩ Lê Thái Bình chia sẻ: “Phẫu thuật ngoại khoa đều phải đối mặt với nhiều tai biến bất ngờ, với nội soi càng khó hơn. Do đó, chuyên khoa Ngoại yêu cầu bác sĩ phải có phản ứng nghề nghiệp nhanh, chính xác và có kinh nghiệm xử lý tình huống tốt. Để triển khai được phẫu thuật nội soi, TTYT TX An Nhơn phải chọn người cứng tay nghề để đào tạo hẳn ê kíp phẫu thuật tại BVĐK tỉnh”.
Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng cho hay, so với những năm trước đây, một số TTYT huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện được một số kỹ thuật ngoại như: Mổ ruột thừa, cắt túi mật, kết hợp xương... Nhưng các trung tâm chỉ mới dừng lại ở các kỹ thuật ngoại khoa cơ bản nhất, chưa có những kỹ thuật cao. Nguyên nhân của tình trạng này là thiếu nhân lực, bởi khi thực hiện các kỹ thuật khó, cần nhiều nhân lực, vật lực. “Một ê kíp mổ phải bao gồm: Bác sĩ mổ (phẫu thuật viên), bác sĩ gây mê - hồi sức và các dịch vụ hỗ trợ cận lâm sàng. Chỉ một mình bác sĩ phẫu thuật thì không thể thực hiện được ca mổ. Nhưng có được ê kíp này là điều không dễ dàng”, bác sĩ Lê Quang Hùng nhận định.
Ngoài nhân lực bác sĩ, vấn đề chi phí đang khiến các cơ sở y tế không mấy “mặn mà” phát triển kỹ thuật ngoại khoa, dù rằng đây chính là mũi nhọn cần phát triển. “Một ca phẫu thuật phải làm nhiều loại xét nghiệm, nhưng bị khống chế giá viện phí. Hơn nữa, một bất cập khác là cùng một dịch vụ kỹ thuật như mổ ruột thừa, bệnh nhân mổ ở TTYT tuyến huyện lại có giá thấp hơn khi mổ ở các bệnh viện tuyến khu vực, tuyến tỉnh, tuyến Trung ương. Điều này cũng khiến nguồn thu của các TTYT huyện thấp, ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của đơn vị. Trên thực tế, nhiều chi phí khác phục vụ cho các kỹ thuật ngoại khoa lại chưa tính đúng, tính đủ, dẫn đến tình cảnh càng làm kỹ thuật cao càng khó khăn về tài chính nên tuyến huyện sẽ vẫn “ì ạch” trong việc phát triển ngoại khoa”, đại diện một TTYT tuyến huyện tâm tư.
MAI HOÀNG