Đại lễ tưởng niệm 711 năm Đức Vua - Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn
Ngày 26.11 (nhằm ngày 1-11, năm Kỷ Hợi), tại Cung Trúc Lâm (Yên Tử, Quảng Ninh), Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) kết hợp với GHPGVN tỉnh Quảng Ninh tổ chức Đại lễ tưởng niệm 711 năm Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn. Hơn 5.000 phật tử cả nước đã tới dự Đại lễ.
Hơn 5.000 phật tử cả nước đã tới dự đại lễ tưởng niệm Đức phật hoàng Trần Nhân Tông
Phát biểu tại Đại lễ, Thượng tọa Thích Đạo Hiển, Chánh thư ký Ban trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: “Điều kiện hiện nay, khi chúng ta đang trong quá trình đổi mới thì bên cạnh việc khơi dậy truyền thống và những nét văn hóa tốt đẹp, chúng ta cũng cần bằng tấm lòng, bằng ý thức tuân thủ pháp luật để tất cả những biểu hiện gây chia rẽ dân tộc, gây mất ổn định xã hội, hay những hành vi vì lợi ích của riêng mình mà xâm hại đến lợi ích người khác hay xâm hại lợi ích cộng đồng cần phải được loại trừ”.
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định: “Dù thời gian có đi qua hơn 700 năm, không gian có biến dịch, song công đức, đạo nghiệp của Phật Hoàng Trần Nhân Tông vẫn còn sống mãi trong trang sử vàng son của dân tộc, của Phật giáo Việt Nam; trong sự nghiệp Hộ quốc an dân, đoàn kết hòa hợp toàn dân, phát huy Đạo Pháp trong thời đại ngày nay và mãi mãi về sau.
Đức Vua - Phật Hoàng Trần Nhân Tông (1258- 1308) là người có vị trí đặc biệt trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Với đời, Ngài là vị vua anh minh kiệt xuất, đã lãnh đạo nhân dân 2 lần đánh thắng giặc Nguyên - Mông, một đội quân xâm lược mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ. Sau khi nhường ngôi báu cho người kế vị, Ngài đã dành tâm huyết để xây dựng và thực thi kế sách khoan hòa trong nhân dân, đề ra chính sách dưỡng dân, an dân, để xây dựng, mở mang đất nước. Phật Hoàng Trần Nhân Tông không chỉ là một nhà chính trị xuất sắc, nhà quân sự tài ba mà còn là một nhà tư tưởng lớn.
Ngài là người sáng lập dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử mang đậm dấu ấn Việt; kết nối và tổ chức giới tu hành thành giáo hội, kết dựng Thiền phái với tư tưởng hòa quang đồng trần, giải thoát không rời thế gian. Những đóng góp to lớn của Ngài đã được sử sách ghi nhận là “vị vua nhân từ hòa nhã, cố kết lòng dân, sự nghiệp trung hưng sáng ngời thuở trước, thực là bậc vua hiền của nhà Trần".
Trong không khí trang nghiêm, thành kính, chư tôn đức tăng ni cùng toàn thể đại chúng đã làm lễ niệm hương bạch Phật, cung tiến Phật hoàng và cầu nguyện quốc thái dân an.
Theo MAI AN (SGGPO)