Văn Miếu-Quốc Tử Giám - Biểu tượng của giáo dục Nho học Việt Nam
Văn Miếu-Quốc Tử Giám gắn liền với giáo dục Nho học Việt Nam, trở thành đỉnh cao và biểu tượng của nền giáo dục này.
Đây là khẳng định của các nhà khoa học tại hội thảo khoa học "Văn Miếu-Quốc Tử Giám và giáo dục Nho học Việt Nam" do Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội) tổ chức sáng 26.11.
Thời Lý, đặc biệt từ Vua Lý Nhân Tông trở đi, nhận thức rõ giáo dục là công việc hệ trọng của quốc gia, triều đình đã cho dựng Quốc Tử Giám, mở khoa thi tuyển chọn nhân tài, mở ra dấu mốc cho nền giáo dục Nho học nước nhà.
Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN)
Cụ thể, tháng Hai năm Ất Mão niên hiệu Thái Ninh thứ 4 (năm 1075) dưới thời Vua Lý Nhân Tông, triều đình mở khoa thi Nho giáo tam trường để tuyển chọn "Minh kinh bác học," tìm người học rộng, tinh thông sách vở, bổ dụng làm quan trong triều đình.
Đây là khoa thi đầu tiên trong lịch sử khoa cử Việt Nam.
Kể từ khoa thi đầu tiên vào năm 1075 ở Thăng Long đến kỳ thi Hội cuối cùng ở Trung Kỳ năm 1919, các triều đại quân chủ đã tổ chức 183 kỳ thi đại khoa, tuyển chọn 2.898 vị Tiến sỹ, Phó bảng.
Trải qua 844 năm phát triển, nền giáo dục khoa cử tuy thịnh suy từng thời nhưng đã gánh vác được sứ mệnh vun bồi nguyên khí mà lịch sử đã giao phó.
Giáo dục Nho học đã tạo ra một tầng lớp sỹ phu có khí tiết, đức độ, là những người con ưu tú, những danh nhân văn hóa gắn bó với vận mệnh đất nước bằng tài năng và nhân cách của mình.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Hữu Mùi-Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, thông qua những khoa thi chủ lực, các triều đình đã tuyển chọn được nhiều nhân tài để bổ sung vào bộ máy nhà nước.
Tên của họ, ngoài được ghi trong các sách Đăng khoa lục, còn được khắc vào bia Tiến sỹ dựng tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám Thăng Long và Văn Miếu Huế.
Nhắc tới giáo dục khoa cử Nho học Việt Nam, không thể không nhắc tới Văn Miếu-Quốc Tử Giám.
Tháng Tám năm Canh Tuất niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (năm 1070), Văn Miếu được xây dựng tại Kinh thành Thăng Long để thờ Khổng Tử và nơi Hoàng Thái tử đến học.
Đến năm Bính Thìn niên hiệu Anh Vũ Chiêu Thắng (năm 1076), Quốc Tử Giám được lập sát gần Văn Miếu để làm nhà học, đồng thời tuyển chọn hiền tài.
Tiến sỹ Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám khẳng định, Văn Miếu-Quốc Tử Giám là nơi chứng kiến và lưu dấu chặng đường phát triển của giáo dục Đại Việt.
Ngày nay, Văn Miếu-Quốc Tử Giám là khu di tích lịch sử văn hóa, nơi quảng bá những giá trị văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế và là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ về tinh thần tôn sư trọng đạo.
Các đại biểu, nhà khoa học cũng thảo luận sôi nổi, nghiêm túc những kinh nghiệm của nền giáo dục khoa cử và gợi mở những ý kiến cho nền giáo dục hiện nay.
Hội thảo đã tôn vinh tinh thần nhân văn, tinh thần học thuật, truyền thống hiếu học của dân tộc, niềm tự hào về Văn Miếu-Quốc Tử Giám, một biểu tượng của văn hiến và trí tuệ Việt Nam và việc phát huy giá trị của Văn Miếu-Quốc Tử Giám đối với giáo dục Việt Nam hiện nay.
Theo Đinh Thuận (TTXVN/Vietnam+)