Người thầy của sáng tạo, yêu thương
Gắn bó, tận tụy chăm lo cho học sinh, thầy Giả Tấn Trọng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Phước Sơn, huyện Tuy Phước - được học sinh, phụ huynh tin cậy, yêu mến. Nỗ lực và nhiệt huyết cống hiến của thầy đã được Bộ GD&ÐT ghi nhận và vinh danh là “Nhà giáo của năm” trong dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 năm nay.
“Trường VIP”!
Trường Tiểu học số 1 Phước Sơn là một trong số ít trường không mở lớp dạy bồi dưỡng, dạy nâng cao. Đồng thời, đây là trường đầu tiên của huyện Tuy Phước mà học sinh lớp 1, lớp 2 được làm quen với tiếng Anh. Không phải tự nhiên mà nhiều phụ huynh gọi Trường Tiểu học số 1 Phước Sơn là trường “VIP”. Có nhiều người nhà cách trường 6 km vẫn cố gắng đăng ký cho con học ở trường. Không chỉ vì trường có khuôn viên đẹp đẽ, phòng ốc xinh xắn mà học ở đây, ý thức tự giác của học sinh được nâng cao, chất lượng học tập tốt.
Thầy Giả Tấn Trọng chơi bóng rổ cùng học sinh.
Thầy Giả Tấn Trọng cho biết: “Ở mỗi bài học, các em tự tìm hiểu ở nhà. Đến lớp, em nào đã biết rồi, giáo viên không dạy lại nữa mà cho bài tập mới nâng cao hơn và dạy kỹ cho những em chưa rõ vì năng lực mỗi em luôn khác nhau. Phương pháp này định hướng để giáo viên dạy từng học sinh theo năng lực chứ không xem toàn bộ học sinh ở cùng một ngưỡng năng lực. Tôi nghĩ chính cách dạy này đã bồi dưỡng học sinh giỏi ngay tại lớp, không cần phải dạy thêm nữa nên bàn với giáo viên của trường không dạy nâng cao”.
Để có thể tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa bổ ích cho học sinh của mình, thầy Trọng đã tham khảo, rút tỉa những điều hay ở những trường học nổi bật tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, đặc biệt là hoạt động rèn luyện ý thức tự giác cho học sinh của Nhật Bản, rồi tìm cách áp dụng phù hợp. Điển hình là chuyện dọn vệ sinh trường học. Trường Tiểu học số 1 Phước Sơn không thuê lao công dọn vệ sinh mà mỗi lớp sẽ phụ trách 1 ô do nhà trường phân công, giáo viên chủ nhiệm sẽ phân cho mỗi em 1 ô nhỏ hơn để theo dõi vệ sinh. Thầy Trọng cho biết: “Nhà trường luôn sạch sẽ bởi có chiếc lá rơi các em cũng nhặt ngay, đồng thời, ngày nào có ô còn bẩn, giáo viên cũng biết được hôm nay học sinh bị đau hay vắng học. Mỗi khi chơi trò chơi xong, các em cũng biết tự dọn dẹp, xếp lại sách, truyện mới vào lớp. Nhờ đó ý thức của học sinh tiến bộ dần lên”.
Tìm việc mà làm
Đến thăm trường vào chiều thứ 2, tôi thấy thầy Trọng loay hoay ở góc trường. Hỏi ra mới biết thầy đang sắp xếp lại chỗ uống nước để các em đỡ phải chờ lâu khi lấy nước mỗi giờ ra chơi và giữ cho bụi không bay vào nơi chứa nước uống. Một số giáo viên nói vui, tính thầy Trọng vậy đó, thầy không ở yên khi nào, không làm việc này thì làm việc khác, luôn nghĩ về học sinh của mình!
Không chỉ tập trung cho việc dạy và học, thầy Trọng còn đầu tư thiết kế các hoạt động trải nghiệm, thể thao. Từ năm học 2017 - 2018, trường tiến hành xây dựng khu vui chơi cho học sinh. Thầy Trọng vận động phụ huynh góp bánh xe ô tô không dùng nữa để làm bàn cờ, bàn đọc sách cho các em. Những bánh xe được chính thầy và giáo viên của trường sơn, sửa thật đẹp. Mặt bàn làm bằng đá. Trên đó, thầy kẻ các trận cờ như ô ăn quan, cờ vua, cờ chém gánh...
Thầy Giả Tấn Trọng chia sẻ: “Mọi người hay than phiền trẻ con ngày càng nghịch ngợm, hay quậy phá, leo cây và đánh nhau, nhưng tôi nghĩ vì thiếu hoạt động vui chơi nên các cháu mới như vậy. Ngày trước, giờ ra chơi của chúng tôi sôi nổi lắm nên bây giờ tôi muốn mang điều đó đến cho học sinh mình. Các trò chơi dân gian còn giúp các em rèn luyện sự khéo léo, khả năng tư duy, sức khỏe”.
Cùng với trò chơi dân gian, trường còn có sân bóng đá mini, vườn rau xanh. Ngoài ra mỗi lớp còn phụ trách nuôi một con vật mà các em yêu thích, sản phẩm thu được sẽ do các em bán gây quỹ lớp. Vì thế, không chỉ chơi thể thao, chơi trò chơi dân gian, đọc sách, giờ ra chơi các em còn rộn ràng cho bồ câu, thỏ, ngan, vịt… ăn.
Lâu lâu ghé thăm trường lại thấy có thêm nét mới. Như gần đây là nhà đa năng và công viên để các em nhận biết các loại cây ăn quả, con vật. Ở công viên, những bánh răng máy cày bỏ đi được ghép thành hình chữ S dải đất Việt Nam và quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Ở đó, đầu chữ S thầy trồng hoa màu vàng ghép thành hình ngôi sao, miền Trung là hình cầu Rồng, miền Nam là chợ Bến Thành. Nhiều cha mẹ học sinh thắc mắc, sức ở đâu mà thầy cứ làm miết vậy? Thầy cười đáp, ban đầu một mình mình làm, sau đó có thêm đồng nghiệp, rồi thì có thêm cha mẹ của học sinh và chính học sinh cùng làm! Không gì vui hơn khi các em thưởng cho mình bằng chính niềm vui của các em.
Bà Hồ Thị Phi Yến, Trưởng phòng Giáo dục mầm non - tiểu học (Sở GD&ĐT), cho biết: Thầy Giả Tấn Trọng là người nhiệt tâm, luôn luôn tìm việc mà làm. Thầy có khả năng huy động nguồn lực xã hội, tạo sân chơi cho học sinh và tạo cảnh quang nhà trường bằng chính bàn tay của những giáo viên. Đồng thời, thầy triển khai và ứng dụng tốt các mặt tích cực, tiên tiến của phương pháp VNEN nên sẽ thuận lợi trong việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới sắp đến.
THẢO KHUY