“Giá” và “băng”
Tiếng Việt có thành ngữ ngày đông tháng giá và các từ lạnh giá, giá lạnh, buốt giá, giá buốt, giá rét. Điều này khiến không ít người nhầm rằng giá là một tính từ, nằm cùng trường nghĩa với lạnh, rét, buốt. Thậm chí, nhiều người không rõ giá là gì.
Trong những từ trên, giá kết hợp với tính từ. Tuy nhiên, trong tiếng Việt còn không ít tổ hợp đẳng lập giá đi với danh từ, như băng giá, giá băng, sương giá, tuyết giá. Như trên, giá có thể là một danh từ. Thật vậy, giá vốn là một danh từ, nằm cùng trường nghĩa với sương, tuyết, băng. Từ điển tiếng Việt định nghĩa giá là: “Nước đá, nước bị lạnh dưới 00 đông cứng lại” (Viện Ngôn ngữ, Nxb Từ Điển Bách Khoa, 2007, tr.362). Cũng như băng, từ nghĩa gốc danh từ, giá còn chuyển loại mang thêm nghĩa tính từ. Do đó, nó có thể kết hợp với các tính từ như trên đã dẫn; đồng thời, bản thân nó cùng các tổ hợp với danh từ như băng giá, sương giá, tuyết giá thường được dùng với nghĩa tính từ.
Thật ra, giảng giá là “nước đá” như Từ điển tiếng Việt vẫn chưa thật cụ thể. Băng cũng là “nước đá” nhưng khác giá ở chỗ đó là những tảng nước đá lớn, chủ yếu do nước ao, hồ, suối, sông, biển bị lạnh mà đóng thành. Còn giá thường là những hạt sương, móc nhỏ trên cành cây, ngọn cỏ đông thành đá. Mùa đông ở nước ta không đủ lạnh để có băng, chỉ một số vùng cao mới có giá.
Thành ngữ nằm giá khóc măng để chỉ những người con hiếu thảo. Nó bắt nguồn từ hai thành ngữ tiếng Hán (gắn liền với hai điển cố) là ngọa băng cầu lý (nằm trên băng tìm cá chép) và khốc trúc sinh duẫn (khóc [bên bụi] trúc sinh [ra] măng). Có một điều thú vị là khi dịch “ngọa băng”, ông cha ta lại… “phóng dịch ” thành “nằm giá”, mặc dù từ băng được Việt hóa hoàn toàn và có thể dùng độc lập trong tiếng Việt. Không rõ người xưa đã cố tình như vậy để câu thành ngữ hài hòa về thanh điệu (nằm băng khóc măng hiệp vần nhưng không đăng đối về thanh) hay cho phù hợp với thực tiễn khí hậu nước Việt (chỉ có giá mà không có băng)?
Th.S PHẠM TUẤN VŨ