“Món ăn tinh thần” của người dân vùng cao
Do khó khăn về địa hình, giao thông, đời sống còn nghèo nàn, nên việc tiếp cận thông tin, đặc biệt là các loại tạp chí, báo in của đồng bào vùng cao còn nhiều hạn chế. Quyết định 45/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc “Cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn” giai đoạn 2019 - 2021 đã tiếp thêm “món ăn tinh thần” cho đồng bào.
Ông Đinh Văn Phia, Phó Bí thư Đảng ủy xã An Vinh (An Lão) chia sẻ, các ấn phẩm báo, tạp chí được cấp đối với ông là tài liệu tuyên truyền không thể thiếu trong công tác vận động đồng bào. Bởi cùng với tính gần gũi, có thể liên hệ thực tế dễ dàng, thông tin từ báo còn hướng dẫn đồng bào biết trân trọng, giữ gìn và phát huy những giá trị tinh thần, đạo đức, bản sắc văn hóa tốt đẹp về tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội truyền thống, văn hóa, nghệ thuật của đồng bào dân tộc. Tuy nhiên điều đáng tiếc là chưa có Báo Bình Định.
Dù chưa được Ủy ban Dân tộc bổ sung vào danh mục các loại báo tạp chí được cung cấp miễn phí nhưng được sự hỗ trợ từ các tổ chức đoàn thể, đồng bào ở huyện Vân Canh vẫn được đọc khá thường xuyên Báo Bình Định.
Với nhiều đồng bào vùng cao, các ấn phẩm báo, tạp chí như một người bạn đồng hành, nơi chia sẻ những kinh nghiệm cuộc sống về cách chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình, định hướng cho con cái học hành. Ông Đinh Văn Biêu, 70 tuổi, già làng thôn 4, xã An Vinh, huyện An Lão, cho hay: “Các loại báo, tạp chí được cấp phát miễn phí như: Báo Dân tộc và Phát triển, tạp chí Dân tộc, chuyên trang Dân tộc thiểu số và miền núi trên Báo Nhân dân… đã giúp tôi kịp thời nắm bắt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là chính sách dân tộc, từ đó phổ biến để bà con hiểu, không để bị kẻ xấu dụ dỗ, lôi kéo”.
Trên phương diện kinh tế, các ấn phẩm báo, tạp chí thông tin về tình hình phát triển KT-XH vùng dân tộc và miền núi, hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) áp dụng KHKT vào sản xuất. Ông Đinh Văn Dũng, ở làng Hà Văn Trên, xã Canh Thuận, huyện Vân Canh tâm sự: “Chúng tôi thích nghe đài nhưng cũng rất muốn có báo, tạp chí để đọc vì có thể để dành, cần chia sẻ với ai có thể cầm đưa cho họ đọc dễ dàng. Nhờ những kinh nghiệm từ sách, báo và các phương tiện thông tin đại chúng, tôi đã vươn lên thoát nghèo thành công. Mô hình chăn nuôi bò lai, canh tác đất vườn rừng như: Trồng keo lai, mì cao sản và các loại cây lâm nghiệp đem lại cho tôi nguồn thu nhập hơn 200 triệu đồng mỗi năm”.
Theo thống kê của Bưu điện tỉnh, sau hơn 9 tháng triển khai Quyết định 45/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, toàn tỉnh đã cấp 91.600 tờ báo với 19 đầu báo, tạp chí cho các vùng được thụ hưởng. Tuy nhiên, việc cấp phát báo, tạp chí ở một số nơi còn chậm, chưa đến tay đồng bào kịp thời, làm ảnh hưởng đến việc phổ biến các nội dung, thông tin thời sự.
Bà Lê Hiếu Nam, Chủ tịch UBND thị trấn Vân Canh (huyện Vân Canh) chia sẻ: “Báo Đảng ở đây được cất giữ rất cẩn thận để ai cũng có thể đến đọc. Gặp những bài báo hay, nhất là bài nói về bà con vùng cao của mình, bà con báo cho nhau biết để tìm đọc”.
Để dự án cấp phát báo về miền cao tiếp tục phát huy hiệu quả cần thiết phải mở rộng đối tượng được thụ hưởng đến tận làng, thôn; tăng cường mua các báo chuyên ngành như các báo có nhiều kiến thức, thông tin sản xuất nông nghiệp, trồng rừng, chăn nuôi để bà con học hỏi kinh nghiệm. Ngoài ra, các báo, tạp chí cần tiếp tục đổi mới nội dung và hình thức, như tăng cường hình ảnh minh họa, những bài viết mang tính chất đặc thù cho đồng bào dân tộc, vùng cao.
Ông Đoàn Văn Hùng, Chánh Thanh tra Ban Dân tộc tỉnh cho biết, nhờ sách, báo được bảo quản ở những nơi tập trung như thư viện, nhà sinh hoạt cộng đồng nên người dân ai cũng có thể đọc. Cùng với quá trình đầu tư cơ sở hạ tầng, Đảng và Nhà nước cũng chú trọng triển khai có chiều sâu nhiều hoạt động, hình thức, loại hình văn hóa khác nhau như sân khấu hóa thông tin tuyên truyền, giúp cải thiện đời sống tinh thần cho người dân. Chúng tôi đang đề nghị Ủy ban Dân tộc xem xét bổ sung báo Đảng địa phương - Báo Bình Định vào danh sách các ấn phẩm, đầu báo, tạp chí cấp phát miễn phí vì bà con rất hay hỏi vì sao không có Báo Bình Định.
HỒNG HÀ