Kìm hãm tốc độ lây lan HIV/AIDS
Dịch HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng, không những lây nhiễm ở nhóm nguy cơ cao mà còn lan ra nhóm dễ bị tổn thương. Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Trung nhấn mạnh, thực tế trên đặt ra yêu cầu cần đặc biệt ưu tiên hoạt động kìm hãm tốc độ lây lan, tiến tới kết thúc dịch HIV/AIDS.
Ông Trung cho biết, đây cũng là mục tiêu quan trọng thể hiện rõ của Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm nay (diễn ra từ ngày 10.11 - 10.12), với chủ đề “Cùng hành động để kết thúc dịch AIDS”.
Giảm nguồn lực đầu tư là thách thức lớn, khiến độ bao phủ các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS còn hạn chế.
• Cụ thể hơn, chủ đề của Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm nay hướng đến mục tiêu nào, thưa ông?
- Tháng hành động hướng đến thực hiện các mục tiêu “Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030” và “Phong trào toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS”. Nâng cao nhận thức, thực hiện hành vi an toàn trong dự phòng lây nhiễm; tăng cường các hoạt động dự phòng lây nhiễm. Quan trọng hơn, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, tăng cường hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm với gia đình, xã hội; đặc biệt trong dự phòng lây nhiễm và tham gia hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Tại Bình Định, tháng hành động sẽ có nhiều hoạt động thiết thực về truyền thông, vận động chống kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, nhất là trẻ ảnh hưởng bởi HIV. Chúng ta cũng ưu tiên triển khai thực hiện các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS như giới thiệu, quảng bá rộng rãi về lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ xét nghiệm HIV, nhất là xét nghiệm HIV tại cộng đồng; dự phòng trước phơi nhiễm HIV. Chú trọng hoạt động chăm sóc, điều trị HIV/AIDS như: Giới thiệu chi tiết các cơ sở cung cấp dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị sẵn có tại địa phương, đơn vị, bao gồm cả các dịch vụ chuyển tiếp, chuyển tuyến để người dân, đặc biệt những người dễ tổn thương, người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS dễ dàng tiếp cận, sử dụng.
Bên cạnh đó, mở rộng cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS như xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng; điểm cấp phát thuốc Methadone, thuốc ARV tại trạm y tế xã, cũng như cung cấp dịch vụ dự phòng trước phơi nhiễm HIV.
• Dù đã thực hiện các giải pháp nhằm ngăn chặn HIV, nhưng trên thực tế, tỉnh ta vẫn ghi nhận khá nhiều ca mắc mới?
- Công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Bình Định thời gian qua đã được triển khai toàn diện, có hiệu quả các dịch vụ can thiệp về dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị cho người nhiễm, đa dạng mô hình xét nghiệm HIV tại cộng đồng để người nhiễm HIV biết sớm tình trạng bệnh, tham gia điều trị thuốc kháng vi rút ARV. Chúng ta cũng đã mở rộng điều trị nghiện bằng Methadone, cấp bao cao su làm thay đổi nhận thức và giảm hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV trong các nhóm nguy cơ cao. 100% phụ nữ mang thai và chuyển dạ phát hiện nhiễm HIV được tiếp cận dịch vụ tư vấn điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. Đặc biệt, từ năm 2019, đã triển khai cấp thẻ BHYT miễn phí cho 100% người nhiễm HIV tham gia điều trị thuốc ARV.
Cuối năm 2018, Bình Định có 824 người nhiễm HIV, trong đó số bệnh nhân còn sống là 383 người; 10 tháng đầu năm nay, có 61 bệnh nhân HIV được phát hiện nhiễm mới. Phân tích về nhóm tuổi, số người nhiễm HIV mới trong độ tuổi lao động có xu hướng tăng cao, chiếm 93% tổng số bệnh nhân nhiễm HIV. Dù Bình Định không xảy ra dịch HIV/AIDS trầm trọng, nhưng có nhiều nguy cơ bùng phát dịch với sự phát triển nhanh chóng dịch vụ du lịch và các tệ nạn xã hội.
• Như ông nói, chúng ta đã có những cách tiếp cận và công cụ mới để dự phòng lây nhiễm HIV, nhưng rõ ràng các chương trình dự phòng vẫn không được mở rộng mạnh mẽ những năm gần đây do suy giảm nguồn lực đầu tư…
- Đây cũng là thách thức lớn trong công tác phòng chống, khiến độ bao phủ các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS còn hạn chế. Và rõ ràng, HIV/AIDS vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát nếu không tiếp tục có những biện pháp can thiệp mạnh mẽ và hiệu quả.
Từ năm 2018 đến nay, công tác phòng, chống HIV/AIDS gặp nhiều khó khăn khi kinh phí ngân sách nhà nước cấp liên tục cắt giảm. Việc triển khai điều trị ARV bằng nguồn BHYT gặp nhiều khó khăn vì người nhiễm sợ “lộ thông tin” và “giấu bệnh” - đây cũng là một trong những nguyên nhân góp phần bùng nổ dịch HIV/AIDS.
• Mục tiêu kết thúc dịch AIDS vào năm 2030, nhưng với những khó khăn, thách thức nói trên, cần thực hiện những giải pháp căn cơ nào, thưa ông?
- Tình hình dịch HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng, không những lây nhiễm ở nhóm nguy cơ cao mà còn có xu thế lây nhiễm ra các nhóm dễ bị tổn thương, phụ nữ hoạt động mại dâm, quan hệ tình dục không an toàn trong lớp thanh niên.
Do đó, cần ưu tiên các hoạt động kìm hãm tốc độ lây lan HIV/AIDS trong cộng đồng, tiến tới kết thúc dịch HIV/AIDS như việc triển khai hoạt động tư vấn xét nghiệm tại cộng đồng, đặc biệt cho nhóm nguy cơ cao: Tiêm chích ma túy, mại dâm, quan hệ tình dục đồng giới nam; nhóm dễ tổn thương (phụ nữ mang thai, trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV…). Chú trọng triển khai các hoạt động nhằm giảm kỳ thị, phân biệt đối xử tại cộng đồng và cơ sở y tế; tăng cường hoạt động truyền thông từ tỉnh đến cơ sở. Quản lý và tiếp cận tốt với người nhiễm HIV để tránh mất dấu, tạo mọi điều kiện để họ tiếp cận được với các dịch vụ điều trị, chăm sóc nhằm tránh lây lan HIV.
Tuy nhiên, để thực hiện được các hoạt động trên, chương trình cần được hỗ trợ nguồn kinh phí tương ứng.
• Cảm ơn ông!
MAI HOÀNG (Thực hiện)