PBGDPL cho đối tượng vi phạm pháp luật trên địa bàn huyện Tuy Phước: Ða dạng, thiết thực, hiệu quả
Thời gian qua, chính quyền và ngành chức năng của huyện Tuy Phước đã triển khai nhiều biện pháp thiết thực tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho đối tượng vi phạm pháp luật trên địa bàn huyện. Qua đó, giúp các đối tượng nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, tái hòa nhập cộng đồng; góp phần giữ gìn an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Thời gian qua, huyện Tuy Phước triển khai đa dạng, thiết thực, hiệu quả công tác PBGDPL cho đối tượng vi phạm pháp luật trên địa bàn huyện.
- Trong ảnh: Các phạm nhân được tuyên truyền, tiếp cận sách, báo, tài liệu pháp luật.
Theo CA huyện Tuy Phước, để thực hiện hiệu quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho nhóm đối tượng là người đang chấp hành hình phạt tù, người đang bị tạm giam, tạm giữ; người đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, thị trấn; thanh thiếu niên vi phạm pháp luật (gọi chung là đối tượng vi phạm pháp luật), các ngành chức năng liên quan và UBND các xã, thị trấn tiến hành điều tra, khảo sát nhu cầu thông tin pháp luật của các nhóm đối tượng. Đồng thời, CA huyện thường xuyên điều tra, khảo sát nhu cầu PBGDPL của đối tượng vi phạm pháp luật thông qua nghiên cứu đặc điểm nhân thân, trình độ học vấn, ý thức am hiểu pháp luật… Từ đó, xây dựng chương trình, nội dung, biện pháp PBGDPL phù hợp với tính chất, mức độ từng nhóm đối tượng nhằm đem lại hiệu quả cao nhất.
Cụ thể, cán bộ quản giáo thường xuyên tổ chức cho phạm nhân, người đang bị tạm giam, tạm giữ học nội quy Nhà tạm giữ; các quy định của pháp luật, các chế độ, chính sách đối với người bị tạm giam, tạm giữ. Việc giáo dục, phổ biến đều được lập thành biên bản và cho từng đối tượng viết thu hoạch kết quả tiếp thu. Trong 2 năm (2018 - 2019), ngành chức năng liên quan đã PBGDPL 35 đợt cho 104 người bị tạm giam, tạm giữ và phạm nhân.
Ngoài ra, CA huyện Tuy Phước lựa chọn, cung cấp cho phạm nhân, người đang bị tạm giam, tạm giữ sách, báo, tài liệu pháp luật… liên quan đến việc cảm hóa, giáo dục để họ thấy được sai trái và an tâm học tập, cải tạo. Trang bị hệ thống loa truyền thanh đến khu vực Nhà tạm giữ để phạm nhân, người đang bị tạm giam, tạm giữ nghe các chuyên mục thời sự, tình hình kinh tế - chính trị địa phương, để các đối tượng tự kiểm điểm bản thân, phấn đấu cải tạo tiến bộ.
Đối với phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù, Nhà tạm giữ tổ chức phổ biến pháp luật thông qua việc tiếp xúc, cung cấp các văn bản liên quan đến quy định về xóa án tích, cư trú, cấp đổi chứng minh nhân dân, các chính sách của Nhà nước về tái hòa nhập cộng đồng… Qua đó, trang bị những kiến thức cơ bản, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng, trở thành công dân tốt.
Bên cạnh đó, qua các buổi nói chuyện chuyên đề, các ban, ngành, đoàn thể và UBND các xã, thị trấn tổ chức PBGDPL cho đối tượng đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, thị trấn; thanh thiếu niên vi phạm pháp luật. Nội dung tập trung vào các quy định pháp luật hình sự, xử lý vi phạm hành chính, luật giao thông đường bộ, phòng, chống ma túy và các tệ nạn xã hội.
CA huyện phối hợp Viện KSND huyện, TAND huyện Tuy Phước xác định các vụ án trọng điểm để đưa ra xét xử công khai lưu động; tổ chức các phiên tòa giả định ở những địa bàn trọng điểm. Qua đó, nâng cao hiểu biết, nhận thức của toàn thể cộng đồng về việc quản lý, giáo dục, giúp đỡ, tạo điều kiện cho các đối tượng tái hòa nhập cộng đồng.
Trong năm 2018 và 2019, các đơn vị chức năng đã tổ chức tuyên truyền, lồng ghép nhiều văn bản pháp luật cho 101/101 thôn ở 13 xã, thị trấn với hơn 21.000 lượt người tham dự. Tổ chức 72 đợt PBGDPL cho các đối tượng vi phạm pháp luật với hơn 33.520 lượt người tham dự; giáo dục cá biệt 13 lượt với 163 đối tượng; mở 26 lớp giáo dục pháp luật cho 560 người.
Ông Nguyễn Đình Thuận, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, nhìn nhận: Việc triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, đa dạng và thiết thực đã mang lại tác dụng tích cực trong công tác PBGDPL cho đối tượng vi phạm pháp luật; giúp các đối tượng nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật; đồng thời, răn đe, giáo dục các đối tượng đang chịu sự quản lý của chính quyền cơ sở. Hình thức này phục vụ tốt công tác phòng ngừa tội phạm trên địa bàn huyện, góp phần đảm bảo tình hình an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
CÔNG LUẬN