Chung tay vì người nghèo, giữ gìn môi trường sống
Chiều 27.11, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện công tác giảm nghèo và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2014 - 2019.
Bà Nguyễn Thị Phong Vũ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy trao Bằng khen của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác giảm nghèo, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, giai đoạn 2014 - 2019.
Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thị Phong Vũ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Võ Đình Thú, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Không để ai bỏ lại phía sau
Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” được MTTQ và các tổ chức thành viên triển khai tích cực, tạo sự đồng thuận, hưởng ứng của nhân dân. Đến nay, MTTQ và các tổ chức thành viên, các đơn vị, cá nhân đã nhận giúp đỡ, hỗ trợ 1.172 hộ nghèo, 795 hộ gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền trên 10 tỷ đồng. Qua đó, đã giúp trên 350 hộ thoát nghèo bền vững, gần 400 hộ chính sách thoát được hoàn cảnh khó khăn.
Từ năm 2014 đến nay, Quỹ Vì người nghèo các cấp trong tỉnh đã vận động hơn 66,5 tỷ đồng. Qua đó, đã hỗ trợ xây dựng mới, sửa chữa 1.655 nhà Đại đoàn kết với tổng số tiền hơn 40,7 tỷ đồng; hỗ trợ tạo điều kiện về sinh kế, giúp hộ nghèo phát triển sản xuất, khám chữa bệnh, hỗ trợ chi phí học tập... với tổng số tiền hơn 29,7 tỷ đồng.
Các tổ chức thành viên, tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đã ủng hộ cho chương trình an sinh xã hội hơn 350 tỷ đồng để xây dựng nhà ở cho những hộ nghèo là hội, đoàn viên của tổ chức mình; xây dựng công trình công cộng như: Cầu, cống, trường học, trạm y tế xã... Một số mô hình hay góp sức cho công tác giảm nghèo đã ra đời như: “Quỹ quay vòng vốn”, “Mái ấm công đoàn”, “Nông dân thi đua sản xuất, đoàn kết, giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng”, “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, “Bếp ăn tình thương”...
Một góc đường thôn Tân Lập, xã Nhơn Lộc, TX An Nhơn.
MTTQ các cấp trong tỉnh phối hợp với các DN triển khai hiệu quả các chương trình “Ngân hàng bê giống”, “Chung tay vì cộng đồng”. Cụ thể, từ 1.000 con bê giống do Quỹ Thiện Tâm hỗ trợ cho 1.000 hộ nghèo (trị giá 1,5 tỷ đồng), sau 2 năm, tổng đàn bê đã nâng lên 1.093 con. Số bê giống do Chi nhánh Viettel Bình Định hỗ trợ cho 326 hộ nghèo ở 3 huyện miền núi, nay cũng đã tăng thêm 111 con. Đàn bê giống từ 80 con ban đầu do Tập đoàn FLC tài trợ cũng đã tăng đàn lên 127 con.
Ông Nguyễn Giang Châu, 59 tuổi, ở thôn Thuận Phong, xã Cát Lâm, huyện Phù Cát, là một trong số các hộ nghèo được nhận bê giống từ chương trình của Quỹ Thiện Tâm vào năm 2017. Sau 3 năm, từ con bò giống đầu tiên, ông Châu có thêm một con bê 10 tháng. Ông cũng sắp sửa phối giống cho bò mẹ lần nữa. Ông Châu tâm sự: “Vợ tôi mất sớm vì bệnh hiểm nghèo. Hơn 10 năm qua, tôi một mình nuôi mẹ già và 4 người con. Nhờ sự quan tâm của Nhà nước, MTTQ Việt Nam các cấp, tôi được hỗ trợ bò. Tôi cố gắng canh tác, trồng mì, đậu trên 5 sào đất vườn để tăng thu nhập. Đến nay, 3 con đã trưởng thành, sớm tìm việc làm, gia đình tôi đã thoát khỏi diện nghèo”.
Nâng cao nhận thức về môi trường
Song hành với công tác giảm nghèo, công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu cũng là một nội dung được MTTQ các cấp triển khai mạnh trong 5 năm qua. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với Sở TN&MT xây dựng 10 mô hình điểm khu dân cư bảo vệ môi trường của tỉnh nhằm phát huy vai trò của người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, xây dựng mô hình điểm “Cộng đồng tôn giáo và dân cư thực hiện bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu” tại Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh và Giáo xứ Gò Thị (Phước Sơn, Tuy Phước). Đến nay, có thêm 15 mô hình đã được nhân rộng trong cộng đồng tôn giáo.
Với những nỗ lực của bản thân, cộng thêm sự hỗ trợ của Nhà nước, ông Nguyễn Giang Châu đã bước đầu vươn lên, thoát nghèo vào năm 2018.
Ông Huỳnh Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở TN&MT, cho biết: “Bảo vệ môi trường không phải là hoạt động tức thời, đòi hỏi sự lâu dài, cần có sự hưởng ứng mạnh mẽ và chung sức của cộng đồng. Vì vậy, vai trò của MTTQ Việt Nam các cấp là hết sức quan trọng trong công cuộc “Chung tay bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu””.
Hiện, có 457 khu dân cư xây dựng thành công mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”, góp phần cùng tỉnh hoàn thành các tiêu chí về môi trường ở những xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2014 - 2019, xây dựng không gian sáng, xanh, sạch, đẹp. Các tổ chức thành viên cũng đã triển khai các mô hình như “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Ngày chủ nhật xanh”, “Hố rác nông thôn”, “Thu gom rác thải”... Từ đây, nhiều tuyến đường, khu dân cư xanh, sạch, đẹp đã hình thành trên nhiều vùng quê, đô thị trong tỉnh.
Khu dân cư thôn Tân Lập (xã Nhơn Lộc, TX An Nhơn) đang xây dựng mô hình Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Thời gian qua, chính quyền và nhân dân trên địa bàn nỗ lực xây dựng không gian sống xanh, sạch, đẹp. Là cư dân lâu năm của thôn, ông Dương Văn Bảy, 56 tuổi, cho biết: “Chúng tôi tham gia trồng hoa giấy, xây dựng tường rào cổng ngõ, làm giàn để hoa giấy bò lên, tạo cảnh quan đẹp cho nhà mình, cho đường làng mình và thôn mình. Con đường nhựa trước nhà là điều mà chúng tôi từng không dám mơ bởi ngày trước, mình chỉ có con đường đất lầy lội. Nay, giấc mơ biến thành sự thật rồi, nhà nào cũng cố gắng giữ gìn bằng cách quét dọn thường xuyên, thu gom rác, để đúng nơi quy định...”.
NGUYỄN MUỘI