Cần hiểu đúng thẩm quyền chứng thực giấy tờ “song ngữ”
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế- xã hội, nhu cầu chứng thực cũng ngày càng tăng. Thực tế cho thấy, ở các khu vực trung tâm các xã, phường, huyện, thị hoặc nơi tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, người dân đến yêu cầu chứng thực nhiều, trong đó bao gồm cả văn bản chứng thực chữ ký. Tuy nhiên, một số người dân còn thiếu sự hiểu biết về chứng thực nên không biết các giấy tờ “song ngữ” thì được chứng thực ở đâu, vì pháp luật về chứng thực chưa quy định cụ thể.
Có thể chứng thực giấy tờ song ngữ tại Phòng Tư pháp hoặc UBND cấp xã, phường.
Theo Điều 5 Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18.5.2007 của Chính phủ, việc chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài, chứng thực chữ ký của người dịch trong các giấy tờ, văn bản từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt hoặc từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài, chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài thuộc thẩm quyền của Phòng Tư pháp cấp huyện, còn đối với các bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt, chữ ký trong các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt thì thuộc thẩm quyền chứng thực của UBND cấp xã.
Tuy nhiên, nếu hiểu theo Nghị định 79 là chưa chính xác, khi xác định thẩm quyền chứng thực giấy tờ “song ngữ”. Bởi lẽ, theo Thông tư 03/2008 ngày 25.8.2008 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành Nghị định số 79/2007 ngày 18.5.2007 của Chính phủ về chứng thực bản sao từ bản chính, điểm c khoản 1 Thông tư 03/2008 này nêu rõ: “Đối với các giấy tờ, văn bản có tính chất song ngữ (ví dụ: Hộ chiếu của công dân Việt Nam, chứng chỉ tốt nghiệp của các trường đại học Việt Nam liên kết với trường đại học của nước ngoài… trong đó có ghi đầy đủ bằng cả tiếng Việt và tiếng nước ngoài) thì người yêu cầu chứng thực được lựa chọn chứng thực tại Phòng Tư pháp cấp huyện hoặc UBND cấp xã”.
Do vậy, chứng thực cần thực hiện đúng thẩm quyền, quy trình, thủ tục theo quy định pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức và cá nhân đến liên hệ giải quyết công việc.
Lê Đức Hiền