Mùa lụt quê tôi
Quê tôi hầu như năm nào cũng lụt, nước tràn đồng. Có trận lụt ngâm 3-4 ngày, muốn đi đâu đều phải chống sõng. Bỡi vậy nhà tôi không gần sông, vẫn phải sắm một cái sõng tre, chờ dùng vào mùa lụt.
Chống sõng là cả một… nghệ thuật. Ban đầu chưa biết chống, sõng cứ xoay tròn một chỗ, học mãi mới được. Chống, sõng đi nhanh nhưng gặp chỗ nước sâu thì không chống được. Bởi vậy ngoài cây sào tre để chống, trên sõng còn phải có một cái dầm để chèo khi cần thiết.
Với tôi năm nào cũng chờ… lụt. Năm nào không có lụt thấy như thiếu thiếu một cái gì đó. Lụt thì vất vả. Nhà tôi ở vùng trũng nên hễ lụt thì ngập, có năm nước ngập qua cữa sổ, cả nhà phải chuyển lên “rầm” để ở. Rầm là cái trần nhà làm bằng đất, chắc chắn, có thể bắt lò nấu nướng được.
Nhưng lụt cũng có nhiều niềm vui. Có lụt mới có chống sõng. Chống sõng đi chơi; đi vớt củi và cả đi bắt vịt trôi. Vịt có người nuôi nhưng khi nước lụt cuốn trôi thì thành vô chủ, ai bắt đều được. Vịt bơi lặn giỏi nên không bị chết nước nhưng bắt được rất khó. Khó nên bắt được mới giỏi.
Mùa lụt còn là dịp để tôi trổ tài bắt cá. Tôi theo anh Ba đi đánh cá. Ngồi trên sõng buông lưới bắt cá. Mùa lụt cá từ sông tràn lên đồng. Đủ các loại: cá rô, cá trầu, cá chép, cá thác lác… Mùa lụt cá no mồi, béo ngậy, ăn ngon hơn nhiều so với cá mùa khô.
Trong các loại cá mắc lưới, khó gỡ nhất là cá Trê. Cá Trê có ngạnh bén như dao, không khéo bị đâm vào tay, buốt đến phát sốt. Muốn bắt phải bóp mạnh cho hai ngạnh cá xếp lại, xong gỡ lưới ra.
Mùa lụt còn có thú bắt cá bằng “dẹp”, bằng “đó”. Dẹp là một dụng cụ bắt cá phổ biến ở quê tôi, được đan bằng tre, giống như đó nhưng nan thưa hơn. Mưa lớn tôi mang dẹp ra ra “đôm”. Trổ một lỗ trên bờ ruộng, đặt dẹp, giữ bằng một thanh tre cắm sâu xuống đất. Cá từ mương theo dòng nước lên ruộng kiếm ăn, chui gọn vào dẹp. Thường chiều tối mang dẹp ra đôm, sáng ra cất. Có lúc cá vào đầy dẹp, nhấc trĩu tay.
Ngoài bắt cá, chị em tôi còn đi bắt cua đồng. Mùa lụt cua nhiều, béo bở. Dùng một chiếc rổ lớn, cán dài để xúc cua. Ấn rổ vào bờ ruộng, lấy chân dậm, quậy, cua sợ chạy ra, rơi vào rổ. Mang cua về rửa kỹ, bỏ vào cối, giã nhỏ. Lược, vắt xác cua, lấy nước riêu, thêm gia vị chế biến thành mắm tươi hoặc mắm chua. Mắm cua tươi ăn với rau lang luộc là tuyệt nhất.
Và không chỉ có lũ trẻ như tôi mới thích lụt, cha tôi cũng mong có lụt. Ông bảo có lụt mới có phù sa cho ruộng; năm nào có lụt thì ruộng lúa sẽ tốt hơn. Nước lụt còn giúp tiêu diệt lũ chuột và sâu bọ phá hoại mùa màng. Xem ra, nông dân quê tôi đều biết cách ứng phó với lụt. Trừ những năm thời tiết thất thường, người ta biết khi nào bắt đầu gieo trồng, khi nào thì thu hoạch để tránh lụt. Người ta biết tích trữ lương thực, thực phẩm cho những ngày lụt. Bây giờ báo chí hay nói người dân đồng bằng sông Cửu Long biết cách sống chung với lũ. Điều ấy không có gì là lạ đối với người dân quê tôi ngày ấy.
Giờ, gia đình tôi ở thành phố. Thành phố biển nên có bao nhiêu nước đều trút hết xuống biển. Mưa lớn cũng có một vài tuyến phố ngập nước. Nhưng đó không phải là lụt như ở quê tôi. Không còn lo lắng sợ nước ngập nhà, ướt đồ. Không còn sợ thiếu nước, thiếu gạo, thiếu củi…Nhưng cũng không còn những niềm vui mùa lụt; chỉ còn là những kỷ niệm khó quên.
Ngọc Minh