Nghị quyết về nâng cao hiệu quả chương trình quốc gia giảm nghèo
Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 795/NQ-UBTVQH14 về việc tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Nông dân chăm sóc đàn bò lai từ dự án Phát triển giống bò thịt chất lượng cao. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN)
Theo đó, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được triển khai thực hiện trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi là chủ trương lớn, luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước trong định hướng, chỉ đạo, bố trí nguồn lực.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các địa phương, cùng sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của đồng bào các dân tộc, sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế, việc giảm nghèo cả nước nói chung và giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, miền núi nói riêng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn.
Những thành tựu đó đã được quốc tế ghi nhận, là điểm sáng trong hệ thống các chính sách an sinh xã hội, góp phần tạo nên sự thay đổi tích cực diện mạo của vùng dân tộc thiểu số, miền núi và đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào.
Kết quả này là tiền đề quan trọng để đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi tiếp tục ổn định cuộc sống và sản xuất, an tâm, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; tăng cường đoàn kết dân tộc, củng cố quốc phòng và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi.
Có thể khẳng định rằng, thành tựu to lớn đạt được của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi hiện nay là thành quả của công cuộc đổi mới đất nước, thành quả của hơn 20 năm thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, miền núi.
Thành tựu to lớn đạt được của Chương trình là quá trình thực hiện kiên trì, bền bỉ trong thời gian dài, có tính kế thừa và phát triển về mặt chất lượng, từng bước tích hợp các chính sách giảm nghèo, chuyển từ thực hiện chuẩn nghèo đơn chiều sang chuẩn nghèo đa chiều, tiếp cận chuẩn nghèo quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách, pháp luật về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi còn những hạn chế, bất cập cần được khắc phục.
Cụ thể, kết quả giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, miền núi chưa bền vững, chất lượng giảm nghèo chưa cao: tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo, tái nghèo, phát sinh nghèo cao hơn tỷ lệ chung cả nước; thu nhập bình quân đầu người thấp và không đồng đều; các chỉ số thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản còn ở mức cao…
Nguyên nhân dẫn đến các bất cập do chính sách hỗ trợ giảm nghèo thường có mục tiêu lớn nhưng thời gian thực hiện ngắn, định mức hỗ trợ thấp; nguồn lực không đủ, vốn cấp chậm và không đồng bộ, nên việc triển khai thực hiện đạt hiệu quả chưa cao.
Sự tham gia của người dân vào quá trình xây dựng và thực hiện chính sách còn hạn chế; sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện chính sách chưa chặt chẽ, đồng bộ, kịp thời; công tác tổ chức, quản lý các chương trình, dự án giảm nghèo còn chồng chéo…
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ triển khai thực hiện các chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số, miền núi đang còn hiệu lực thi hành, trong đó đặc biệt quan tâm tới việc giải quyết các khó khăn trong đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số rất ít người; bảo đảm mức sống của các dân tộc này tương đương với các dân tộc khác trong vùng theo mục tiêu Đề án đề ra đến năm 2025.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ thực hiện các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế ổn định cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số, miền núi; chú trọng xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần; chăm lo giáo dục, y tế, đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, giải quyết việc làm, nâng cao năng suất lao động…
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, đổi mới nội dung tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, miền núi; khơi dậy truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên thoát nghèo; cân đối nguồn lực thực hiện cho từng chương trình, dự án, chính sách cụ thể.
Theo PV (TTXVN/Vietnam+)