Bảo tồn và phát triển làng nghề khảm xà cừ Cẩm Văn
Sản phẩm khảm xà cừ Cẩm Văn ở phường Nhơn Hưng, TX An Nhơn nổi tiếng từ bao đời nay, bởi ngoài đường nét, hoa văn sắc sảo, sản phẩm còn chứa đựng hồn quê và bản sắc văn hóa của vùng đất Bình Định.
Những mặt hàng được thị trường ưa chuộng nhất là câu đối, hoành phi và tủ thờ. Trân quý và ý thức cao trong việc giữ gìn và phát triển nghề truyền thống mang lại danh tiếng, thu nhập cho người dân, dù bất kỳ giai đoạn khó khăn nào, các cơ sở sản xuất cũng tìm cách vượt qua để duy trì và phát triển nghề.
Cơ sở khảm xà cừ Hồng Hà của gia đình nghệ nhân Trần Văn Hùng đã có ba đời làm nghề này, đến nay vẫn tiếp tục truyền dạy cho thế hệ sau. Ông Hùng cho biết, để hoàn thành một sản phẩm phải qua các khâu như: tạo mẫu, cắt, tách, tỉa, đục, mài, chà bóng... Mỗi người thợ sẽ chuyên trách một khâu. Tuy nghề này làm không khó nhưng để có sản phẩm đẹp thì yêu cầu người thợ phải có tính cần mẫn, kiên trì và đặc biệt là phải điềm tĩnh.
Chị Trần Thị Hải, năm nay 47 tuổi, có thâm niên 27 năm trong nghề và chuyên thực hiện khâu đục. Chị Hải chia sẻ, từ nhỏ đã được tiếp xúc với công việc, sau khi được cha chỉ dạy chị thấy thích nghề này và theo tới bây giờ.
Có cùng chung cảm nhận với chị Hải, anh Trần Linh Kiệt, 29 tuổi đã có hơn 10 năm làm nghề. Hiện anh Kiệt đã thành thạo được 2 công đoạn. Anh Kiệt cho biết, thời gian tới sẽ cố gắng tìm tòi học thêm những công đoạn khác để có thể tự mình làm ra sản phẩm hoàn thiện.
Hiện phường Nhơn Hưng có khoảng 10 cơ sở khảm xà cừ. Đặc biệt, thời gian gần đây, nhiều người trẻ tâm huyết, năng động theo nghề, cho ra nhiều mẫu mã mới, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Nhờ vậy, các sản phẩm khảm xà cừ ở Nhơn Hưng được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh tìm đến tham quan và mua. Điều này giúp nghề truyền thống ngày càng phát triển.
Những năm gần đây, nghề khảm xà cừ phát triển trở lại, không chỉ tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người dân trong vùng mà còn góp phần gìn giữ một nghề truyền thống của vùng đất vua An Nhơn Bình Định.
PHAN TUẤN (thực hiện)