Phô trương
Nhiều năm qua, khi đến nhiều thôn, làng ở các địa phương trong tỉnh, dễ dàng nhận thấy các cổng chào được xây dựng kiên cố, lớn và tốn kém hơn, thậm chí có những cổng chào mà chi phí xây dựng có lẽ phải mất đến tiền tỷ. Dù có khá nhiều kiểu dáng, nhưng điểm chung là màu sắc nổi và đối lập với không gian nông thôn, đồng quê, không thể hiện được đặc trưng của địa phương, hay làng nghề truyền thống... ngoài những hình khối bê tông khô cứng, đôi khi còn thô kệch.
Mấy năm gần đây, dường như lại bắt đầu có tình trạng “đua nhau” xây cổng chào hoành tráng giữa các xã trong huyện, tỉnh, nhất là một số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Những cổng chào rộng và cao hàng chục mét trở lên này được xây dựng rất đồ sộ, tốn kém, với kinh phí được huy động từ nhiều nguồn, kể cả vận động xã hội hóa. Nhiều cán bộ lãnh đạo địa phương, thậm chí là nhiều người dân còn cho rằng, xây cổng chào hoành tráng như vậy mới “nở mày nở mặt” và thể hiện sự phát triển KT-XH ở địa phương. Mới đây, chúng tôi có dịp đi ngang qua một cổng chào của một xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018, cổng to lớn như dẫn vào một khu đô thị nào đó dù đoạn phía trước dẫn vào cổng vẫn là đường đất khá nham nhở, hai bên là đồng ruộng, cây cối, nhà cửa còn khá đơn sơ. Nếu để ý, có thể thấy một vài cổng chào cấp xã xây dựng sau này ở một huyện trong tỉnh có khi còn to hơn cổng chào của huyện đó, hoặc “ngang tầm” với cổng chào của huyện khác.
Nhà nước không thể ban hành những quy chuẩn chi tiết về cổng làng, thôn trong xây dựng làng, thôn văn hóa, hoặc trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở các xã. Thế nên “có tiền thì xây” cũng là tình trạng chung ngày càng phổ biến. Việc đầu tư xây cổng làng, cổng xã hoàng tráng, chủ yếu là để phô trương về hình thức còn xảy ra ở cả những nơi đang thiếu nhiều công trình phục vụ đời sống dân sinh. Mong rằng các đồng chí lãnh đạo huyện, tỉnh khi đi thăm cơ sở nên nhắc nhở, lưu ý đến tinh thần tiết kiệm, có thể nhờ vậy mà bệnh phô trương hình thức trong xây dựng cổng chào sẽ thuyên giảm.
MAI THƯ