Phát huy vai trò của ban công tác mặt trận khu dân cư: Lắng nghe tiếng nói cơ sở
Ngày 27.11, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức Tọa đàm về giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả ban công tác Mặt trận ở khu dân cư. Các đại biểu đại diện cho ban công tác Mặt trận đã đóng góp nhiều ý kiến, chia sẻ tâm huyết.
Phát huy vai trò
Tại cơ sở, ban công tác Mặt trận xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động thực hiện các nhiệm vụ chính trị: Tuyên truyền, vận động, thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua, giám sát...; đặc biệt là tổ chức ngày hội đại đoàn kết toàn dân tại khu dân cư nhằm kết nối, phối hợp vận động nhân dân đăng ký thực hiện gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa.
Tọa đàm về giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư đã ghi nhận nhiều chia sẻ tâm huyết của cán bộ Mặt trận tại cơ sở.
Tại các khu dân cư, một số mô hình được xây dựng, nhân rộng và phát huy như: Camera phòng chống tội phạm (TP Quy Nhơn); Khu dân cư sáng, xanh, sạch đẹp, an toàn, văn minh (xã Hoài Phú, huyện Hoài Nhơn); Làng văn hóa, không có tệ nạn tự tử, bạo lực gia đình và các hành vi vi phạm pháp luật (làng Kông Trú, xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh); Nghe dân nói, nói dân nghe (thôn Tri Thiện, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước). Ở huyện An Lão, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã An Tân triển khai mô hình tổ nhân dân tự quản với 6 nội dung: Tổ tự quản chấp hành pháp luật trong khu dân cư; tổ vận động bà con phát triển kinh tế, giúp nhau xóa đói giảm nghèo; tổ tự quản về ANTT; tổ tự quản về môi trường; tổ tự quản tăng cường công tác hòa giải; tổ giám sát cán bộ đảng viên về tư tưởng, đạo đức lối sống.
Ông Hồ Sỹ Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, nhận định: “Với những kết quả đạt được, ban công tác Mặt trận ở khu dân cư đã góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân, khơi dậy lòng yêu nước, vượt qua khó khăn, phát huy dân chủ và nội lực của cộng đồng dân cư, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - văn hóa xã hội, quốc phòng - an ninh của các địa phương”.
Nhiều tâm tư
Chia sẻ về kinh nghiệm vận động nhân dân thực hiện các phong trào, ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Phú Thịnh, xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, nói: “Một năm qua, thôn triển khai làm được 1.320 m đường bê tông dưới hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Thực tế, công tác vận động bà con tham gia không hề dễ. Cách của chúng tôi là trước hết phải vận động những người dân cốt cán, có uy tín với cộng đồng. Sau đó, họp dân, dựa vào tiếng nói những người có uy tín mà tác động, kêu gọi sự đồng thuận của bà con. Mà muốn nói để người nòng cốt tại cộng đồng hiểu, chung tay với mình trong công tác vận động, cán bộ Mặt trận phải biết rõ, bắt tay vào làm trước”.
Ông Huỳnh Mỹ Cảm, Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn An Dinh 2, Hoài Thanh, Hoài Nhơn, chia sẻ về những khó khăn trong công tác vận động nhân dân.
Ông Huỳnh Mỹ Cảm, Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn An Dinh 2, xã Hoài Thanh, Hoài Nhơn, bộc bạch thêm: “Vận động bà con đã khó, đến khi vận động xong rồi thì dự án, chương trình chưa triển khai ngay được, làm ảnh hưởng đến công tác vận động. Ví dụ, dự án tuyến đường từ xã Hoài Tân lên Hoài Xuân đi ngang xã Hoài Thanh, từ năm 2018, chúng tôi triển khai vận động bà con hiến đất, hiến cây để làm đường. Bây giờ đã gần cuối năm 2019, cũng chưa thấy dự án thực hiện như thế nào. Không ít bà con nói với chúng tôi: “Các ông cứ nói vậy chứ biết chừng nào thực hiện được mà ủng hộ với hiến đất”.
Hiện nay, có 1.122 ban công tác Mặt trận khu dân cư trên địa bàn tỉnh. Trong 1.122 vị trưởng ban công tác Mặt trận khu dân cư, có 456 vị chuyên trách, 307 vị là bí thư chi bộ, 134 vị là trưởng thôn hoặc phó trưởng thôn và 225 vị là các chức danh khác kiêm nhiệm. Tại tọa đàm, nhiều trưởng ban công tác Mặt trận có chung kiến nghị: Không nên kiêm nhiệm trưởng ban công tác Mặt trận với các chức danh khác.
Anh Đinh Văn Nhớt, Trưởng Ban Công tác Mặt trận kiêm Phó thôn 3, xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thạnh, tâm sự: “Nhiệm vụ công tác Mặt trận rất nhiều, cộng với nhiệm vụ phó thôn cũng không ít. Chúng tôi đi họp liên tục, nhiều khi còn đi họp các cấp thay cho trưởng thôn nên hầu như việc nhà phải gác lại dù mức lương, phụ cấp chưa tương xứng. Mặt khác, với việc kiêm nhiệm này, rất khó để triển khai công tác giám sát, phản biện. Mình làm sao phản biện chính mình được”.
NGUYỄN MUỘI