Quỹ tài chính ngoài ngân sách: Sắp xếp hợp lý, nâng cao hiệu quả
Các quỹ tài chính ngoài ngân sách được thành lập với mục đích trợ lực phát triển kinh tế, giảm gánh nặng cho ngân sách địa phương. Song để hoạt động có hiệu quả, các quỹ này cần được rà soát, sắp xếp lại phù hợp hơn.
Đó là đánh giá của Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước (quỹ TCNNS) giai đoạn 2013 - 2018 trên toàn quốc.
Dự án cơ sở hạ tầng của Khu đô thị mới Bắc sông Tân An (TX An Nhơn) được tài trợ vốn từ Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh.
Tại Bình Định, theo thống kê từ Sở Tài chính, có 15 quỹ TCNNS thuộc tỉnh. Dựa vào tính chất, phạm vi hoạt động, các quỹ được phân thành 3 nhóm gồm: Hoạt động như mô hình của một tổ chức tín dụng (6 quỹ); hoạt động mang tính chất thu hộ, chi hộ theo từng mục tiêu và ít nhiều có nguồn thu từ ngân sách địa phương (4 quỹ); có tính chất hoạt động xã hội nhân đạo, từ thiện (5 quỹ). Về cơ bản, các quỹ TCNNS thuộc tỉnh thành lập phù hợp với tiêu chí, đúng mục đích. Tuy vậy, do quy mô nhỏ lẻ, manh mún, vốn điều lệ ít nên việc thực hiện vai trò trợ lực kinh tế của các quỹ TCNNS chưa được như kỳ vọng.
Phó Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Văn Hưng nhìn nhận, việc hình thành nhiều quỹ với tính chất hoạt động khác nhau, trong khi lại thực hiện việc cho vay hoặc hỗ trợ đối tượng trùng lắp… dẫn tới nguồn lực bị phân tán, khó hiệu quả.
Đến nay, trong nhóm quỹ TCNNS hoạt động giống mô hình tổ chức tín dụng, Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh (BDDIF) hoạt động tốt nhất. Ông Nguyễn Bạo, Giám đốc BDDIF, cho biết, điểm thuận lợi của BDDIF là vốn điều lệ (434 tỷ đồng) lớn hơn các quỹ khác; người làm công tác quản lý quỹ có chuyên môn về quản lý tài chính, thẩm định dự án, thực hiện giải ngân… Đến nay, BDDIF cho vay 20 dự án cho các DN trên địa bàn tỉnh, trong đó các dự án phát triển kinh tế hạ tầng và an sinh xã hội mang lại kết quả tích cực. Không chỉ vậy, BDDIF còn được Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá đứng trong nhóm 10 quỹ TCNNS hoạt động tốt nhất trong cả nước. Dù vậy, trong công tác quản lý, hoạt động của quỹ còn gặp khó khăn. Do tính chất đặc thù của Quỹ (vừa có hoạt động huy động vốn, vừa có hoạt động cho vay, đầu tư trực tiếp, góp vốn thành lập DN, nhận ủy thác) đan xen giữa phục vụ mục tiêu chính sách của tỉnh và tính thị trường, nên còn nhiều vướng mắc.
Theo ông Nguyễn Văn Hưng, hiện các quỹ TCNNS (trừ BDDIF) hoạt động như mô hình tổ chức tín dụng có vốn điều lệ thấp (từ khoảng 10 tỷ đồng đến khoảng vài chục tỷ đồng) rất khó để giải ngân. Bên cạnh đó, nhiều ban quản lý quỹ lại không có đủ chuyên môn để đảm bảo tốt việc quản lý tài chính, thẩm định dự án, bởi vậy cả việc cho vay cũng không dễ dàng. Từ những bất cập đó, nhiều quỹ TCNNS trên địa bàn tỉnh sau khi được thành lập đến nay gần như “đóng băng”.
Trong đợt làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 9.2018, tỉnh Bình Định có kiến nghị về việc tiến hành sắp xếp lại các quỹ TCNNS. Theo đó, tỉnh đã đề ra phương án sáp nhập các Quỹ Phát triển KHCN, Quỹ Bảo vệ môi trường, Quỹ Bảo vệ & Phát triển rừng vào BDDIF, vì vốn điều lệ của các quỹ này hoàn toàn từ ngân sách địa phương; đối với các quỹ hiện đã được ủy thác hoạt động cho BDDIF (Quỹ Hỗ trợ và phát triển HTX, Quỹ Phát triển đất, Quỹ Phòng chống thiên tai) tiến hành giao nhiệm vụ bổ sung, chuyển vốn cho BDDIF để tập trung đầu mối; giải thể Quỹ Bảo trì đường bộ, giải thể và chuyển vốn sang Ngân hàng CSXH đối với Quỹ Xóa đói giảm nghèo. Đối với các quỹ/nguồn vốn có tính chất xã hội, từ thiện, trước mắt giữ nguyên hiện trạng (các quỹ này phần lớn được thành lập theo các quy định từ Trung ương). Về lâu dài nên kiến nghị việc chấm dứt hoạt động và chuyển số dư (nếu có) vào ngân sách nhà nước, vì hầu hết các đối tượng chi của nhóm này đều trở thành các đối tượng bảo trợ xã hội được ngân sách nhà nước trợ giúp.
● Liên quan đến hoạt động của Quỹ Phát triển KHCN, Giám đốc Sở KHCN Lê Công Nhường kiêm Giám đốc Quỹ Phát triển KHCN tỉnh, trao đổi: Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội XIV, Thủ tướng Chính phủ phát biểu Quỹ KHCN là cần thiết trong việc thúc đẩy các dự án liên quan đến KHCN tại các địa phương. Quốc hội và Chính phủ chỉ mới có báo cáo về giám sát các quỹ, chưa có ý kiến về việc sắp xếp lại các quỹ TCNNS.
● Theo ông Trần Ðình Mươi, Giám đốc Công ty TNHH Trainco Bình Ðịnh, trong quá trình triển khai dự án Nhà ở xã hội - Chung cư Hoàng Văn Thụ, việc tiếp cận được gói vay ưu đãi từ BDDIF tạo điều kiện cho DN trong quá trình triển khai dự án. Trong tháng 11, BDDIF ký hợp đồng gói vay trị giá 40 tỷ đồng, cho hạng mục xây dựng cơ sở hạ tầng khối nhà block C của Chung cư Hoàng Văn Thụ.
THU DỊU