Phát triển bền vững các làng nghề truyền thống
Ðể bảo tồn, phát triển bền vững làng nghề truyền thống, ngành Nông nghiệp tỉnh đang phối hợp với các sở, ngành liên quan, các địa phương rà soát, đánh giá và đề nghị UBND tỉnh công nhận lại các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống theo quy định tại Nghị định 52/2018/NÐ-CP của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn.
Nhờ đầu tư máy móc, cải tiến mẫu mã sản phẩm, nghề dệt chiếu cói ở xã Hoài Châu Bắc (huyện Hoài Nhơn) phát triển mạnh.
Trước đây, việc xếp hạng làng nghề căn cứ theo Quyết định số 131 ngày 13.1.2005 của UBND tỉnh về công nhận làng nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh, xây dựng theo quy định của Nghị định 134 ngày 9.6.2004 của Chính phủ về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn. Theo Nghị định 134, việc quản lý, phát triển làng nghề do ngành Công Thương phụ trách. Để duy trì làng nghề và đáp ứng nhu cầu phát triển mới, Chính phủ ban hành Nghị định 52, và theo nghị định này, ngành Nông nghiệp sẽ phụ trách hoạt động này. Tại tỉnh Bình Định, đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 67 làng nghề truyền thống với tổng số hơn 9.000 hộ làm nghề, hơn 19.000 lao động; trong đó có 46 làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận với hơn 7.400 hộ làm nghề, hơn 16.700 lao động.
Phát triển ổn định
TX An Nhơn hiện có 24 làng nghề truyền thống đã được công nhận theo quy định cũ. Ông Bùi Thanh Đạm, một hộ dân làm nghề tráng bánh ở thôn Trường Cửu, xã Nhơn Lộc, cho biết: “Nghề tráng bánh tráng ở đây phát triển mạnh, sản phẩm tiêu thụ ổn định tại thị trường trong tỉnh và khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Để tăng năng suất, năm 2013, tôi đầu tư hơn 100 triệu đồng để mua máy tráng bánh. Bình quân cơ sở tôi tráng 160 kg gạo/ngày, tạo việc làm cho 4 lao động với thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng”.
“Với việc ban hành Nghị định 52, Chính phủ đã tạo một hành lang chính sách mạnh mẽ hơn, quyết tâm cao hơn nhằm một mặt duy trì và phát triển làng nghề, mặt khác nhanh chóng giúp làng nghề thích ứng với bối cảnh mới, đáp ứng nhu cầu phát triển mới”
Các hộ làm nghề ở làng rượu Bàu Đá cũng được ngành chức năng hỗ trợ nhãn mác để nâng cao chất lượng sản phẩm, tiêu thụ ổn định trên thị trường cả nước. Bà Nguyễn Thị Xuân Nữ, chủ cơ sở rượu Văn Khanh ở thôn Cù Lâm, cho hay: “Bình quân một ngày nấu 8 mẻ được 40 lít rượu các loại, như rượu gạo bán với giá là 25.000 đồng/lít, rượu nếp 35.000 đồng/lít, rượu đậu xanh 75.000 đồng/lít. Nhưng vào vụ Tết thì mỗi ngày phải nấu đến 12 mẻ, được 60 lít rượu các loại để bán”.
Theo ông Nguyễn Huỳnh Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Lộc, TX An Nhơn để hỗ trợ làng nghề bánh tráng Trường Cửu và rượu Bàu Đá, những năm qua, xã đã đầu tư xây dựng đường giao thông bê tông, cổng làng nghề, xây dựng sân phơi làng nghề bánh tráng Trường Cửu với diện tích hơn 3.000 m2 để người dân có chỗ phơi bánh tráng tập trung, đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Làng nghề dệt chiếu cói xã Hoài Châu Bắc (huyện Hoài Nhơn) hiện có hơn 200 cơ sở và hộ gia đình làm nghề dệt chiếu cói, tạo việc làm cho hơn 500 lao động, với mức thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. Trước đây, người dân làm nghề theo kiểu thủ công, sản phẩm kém sức cạnh tranh trên thị trường. Những năm gần đây, người dân làm nghề đã đầu tư máy móc, thay đổi mẫu mã để vực dậy nghề truyền thống.
Bà Võ Thị Hiền, ở thôn Gia An Tây, xã Hoài Châu Bắc, cho biết: “Để dệt ra một chiếc chiếu phải trải qua rất nhiều công đoạn, với sự hỗ trợ của máy móc, mỗi ngày thợ dệt có thể làm ra 10 - 15 chiếc chiếu. Phần lớn các hộ làm nghề dệt chiếu ở đây bây giờ đều đầu tư máy để làm, riêng gia đình tôi đầu tư 4 máy dệt chiếu, xuất bán ra thị trường hơn 1.000 chiếc chiếu/tháng với giá 70.000 - 120 nghìn đồng/chiếc, tạo việc cho 8 lao động ở địa phương”.
Bảo tồn, duy trì làng nghề
Năm 2019, TX An Nhơn đề nghị UBND tỉnh công nhận 7 làng nghề, trong đó các làng nghề bánh tráng Trường Cửu (xã Nhơn Lộc), làng nghề nón lá Thuận Đức, nón lá Nghĩa Hòa, nón lá Đại An (xã Nhơn Mỹ) được UBND tỉnh công nhận làng nghề; 2 làng nghề rượu Bàu Đá (xã Nhơn Lộc), làng rèn Tây Phương Danh (phường Đập Đá) được công nhận làng nghề truyền thống; riêng làng nghề chu nhang Bả Canh (phường Đập Đá) vốn đã được công nhận làng nghề truyền thống nhưng nay thì không đạt vì không đủ số hộ làm nghề.
Ông Đào Xuân Huy, Phó Chủ tịch UBND TX An Nhơn, cho biết: “Hiện làng nghề truyền thống rượu Bàu Đá đã được UBND tỉnh quy hoạch tỷ lệ 1/500. Từ nay đến năm 2022, thị xã sẽ tập trung đầu tư hệ thống điện chiếu sáng, nhà trưng bày, hệ thống thoát nước… tại làng nghề này. Năm tới, sẽ tiếp tục đề nghị UBND tỉnh công nhận lại 20 làng nghề của thị xã nhằm góp phần bảo tồn, phát triển bền vững gắn với phát triển du lịch làng nghề”.
Theo ông Trần Đình Tổng, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Nhơn, năm 2019, làng nghề dệt chiếu cói thôn Công Thạnh (xã Tam Quan Bắc) đã được tỉnh công nhận làng nghề. Năm 2020, huyện tiếp tục đề nghị làng nghề dệt chiếu cói Hoài Châu Bắc (xã Hoài Châu Bắc); làng nghề sản xuất bún số 8 và bánh tráng các loại Tam Quan Nam (xã Tam Quan Nam) để tỉnh công nhận lại. Riêng làng nghề thảm xơ dừa Tam Quan Nam không đủ số hộ làm nghề, sản phẩm đầu ra không ổn định thì huyện không đề nghị. Cùng với đó, huyện sẽ chú trọng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, tăng cường xúc tiến thương mại giới thiệu sản phẩm làng nghề để phát triển ổn định, tăng tính cạnh tranh, tạo việc làm cho lao động nông thôn ở địa phương.
Với việc ban hành Nghị định 52, Chính phủ đã tạo một hành lang chính sách mạnh mẽ hơn, quyết tâm cao hơn nhằm một mặt duy trì và phát triển làng nghề, mặt khác nhanh chóng giúp làng nghề thích ứng với bối cảnh mới, đáp ứng nhu cầu phát triển mới. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Hữu Vui cho biết: Chúng tôi đang tiếp tục rà soát, đánh giá lại các làng nghề để UBND tỉnh công nhận lại nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống theo quy định Nghị định 52 của Chính phủ. Ngành Nông nghiệp đang nghiên cứu để sớm tham mưu UBND tỉnh có định hướng hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nghề cho lao động làm nghề… tiến tới thành lập HTX làng nghề để bảo tồn, phát triển bền vững.
ÐOÀN NGỌC NHUẬN