TRIỂN KHAI MÔ HÌNH XỬ LÝ RÁC Ở KHU VỰC NÔNG THÔN:
Hướng tới mục tiêu khang trang, sạch sẽ
Nhờ thực hiện đề án “Mô hình xử lý rác nông thôn”, mấy năm gần đây, hiện tượng xả rác ở khu vực nông thôn đã bắt đầu giảm, bộ mặt nông thôn ngày càng thêm khang trang, sạch, đẹp.
Ông Nguyễn Lợi đang vận hành xe chở rác do Sở TN&MT hỗ trợ.
Giờ đây, ai có dịp đến các xã Cát Khánh, Cát Minh (huyện Phù Cát) gần như sẽ không còn thấy cảnh xả rác bừa bãi làm mất mỹ quan, gây ô nhiễm môi trường (ÔNMT) như trước. Có được kết quả trên là nhờ Cát Khánh và Cát Minh được chọn tham gia Đề án “Mô hình xử lý rác nông thôn”. Đề án do Chi cục Bảo vệ môi trường (BVMT, thuộc Sở TN&MT) phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh thực hiện.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, song xã Cát Khánh đã nỗ lực triển khai Đề án. Ông Nguyễn Bá Đăng, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Khánh, cho biết: Xã đã hợp đồng với Công ty Liên Minh để thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt; hợp đồng với Công ty TNHH Hậu Sanh xử lý bao bì, chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật. Riêng số tiền thuê Công ty Liên Minh đã trên 20 triệu đồng…
Thực hiện Đề án, mỗi thôn của 2 xã Cát Khánh, Cát Minh chọn ra 30 hộ dân tham gia. 30 hộ dân sẽ được cấp phát 215 chai nước và 139 gói bột chế phẩm vi sinh AT-BiO; được cấp 5 thùng ủ phân bằng nhựa để xử lý rác thải sinh hoạt (hữu cơ); được cấp 25 bình phun 8 lít để xử lý rác thải sinh hoạt kết hợp với chất thải chăn nuôi. Đồng thời, 30 hộ gia đình còn được cấp hỗ trợ 3 xe rác đẩy tay, 3 bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật… Bên cạnh đó, các gia đình còn được chuyên gia của Chi cục BVMT và Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh hướng dẫn về kỹ thuật phân loại rác thải; xử lý rác thải hữu cơ bằng chế phẩm vi sinh AT-BiO; kỹ thuật xử lý rác sinh hoạt và chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm vi sinh AT-BiO; phương thức thu gom, phân loại rác tại gia đình…
Theo ông Nguyễn Lợi, Trưởng thôn Thắng Kiên, xã Cát Khánh, thực tế cho thấy việc thực hiện Đề án đã mang lại nhiều kết quả khả quan. Chỉ sau khoảng 2 tháng triển khai (từ ngày 13.8 đến ngày 13.10.2019), lượng rác thải sinh hoạt hữu cơ ở thôn Thắng Kiên, xã Cát Khánh đã giảm trên 900 kg, tạo ra hơn 300 kg phân bón hữu cơ phục vụ bón ruộng, rau màu; xử lý được trên 16 tấn phân bò. Đồng thời, tổng lượng phân hữu cơ tạo ra từ rác thải sinh hoạt hữu cơ và chất thải chăn nuôi của 30 hộ tham gia mô hình đạt trên 6.700 kg.
Theo ông Nguyễn Bá Đăng, tình trạng xả rác bừa bãi, làm mất mỹ quan và gây ÔNMT ở địa bàn nông thôn đã giảm nhiều. Hơn nữa, điểm đáng mừng là đã có nhiều hộ tuy không thuộc phạm vi của Đề án nhưng cũng bắt chước làm theo. Từ hiệu quả và chuyển biến ấy, sắp tới xã sẽ nhân rộng mô hình tại 2 thôn Phú Long và An Nhuệ.
Th.S Hà Thị Thanh Hương, Chi cục trưởng Chi cục BVMT, cho biết: Hiệu quả mà mô hình mang lại đối với Cát Khánh, Cát Minh là một ví dụ điển hình về hiệu quả của Đề án. Đặc biệt điều đáng ghi nhận là nhờ người dân có chuyển biến tư tưởng, tại các thôn, xóm ở Cát Khánh, Cát Minh hầu như không còn tình trạng xả rác bừa bãi và tình trạng ÔNMT do chăn nuôi cũng được giảm hẳn. Cùng với Phù Cát, Đề án cũng được triển khai tại các xã Mỹ Châu, Mỹ Đức (huyện Phù Mỹ) và đạt được kết quả tương tự. Chúng tôi hy vọng mô hình kể trên sẽ từng bước lan tỏa rộng, góp phần để nông thôn Bình Định ngày càng khang trang, sạch sẽ.
VIẾT HIỀN