Nâng cao vai trò phụ nữ trong phát triển kinh tế: Lợi ích kép
Với khoảng 80% số người tham gia là nữ, thông qua các hoạt động hỗ trợ thiết thực, Dự án “Nâng cao vai trò phụ nữ trong phát triển kinh tế và nông nghiệp” đã tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ phát triển kinh tế gia đình và khẳng định vai trò, thực hiện bình đẳng giới...
Ưu tiên hỗ trợ các HTX, DN do nữ làm chủ, có đông lao động nữ, Dự án đã góp phần thúc đẩy vai trò kinh tế của phụ nữ.
- Trong ảnh: Lao động nữ địa phương tại cơ sở sản xuất bánh dừa Thanh Phương, Hoài Nhơn.
Dự án “Nâng cao vai trò phụ nữ trong phát triển kinh tế và nông nghiệp” (FLOW/EOWE) do Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) tài trợ, triển khai trên địa bàn tỉnh từ tháng 8.2016 đến tháng 6.2020, thông qua vai trò tổ chức thực hiện của Sở NN&PTNT và Hội LHPN tỉnh. Mục tiêu đặt ra là năng suất đạt cao hơn và tăng thu nhập trên 20 - 25% so với sản xuất theo truyền thống.
Hỗ trợ phát triển kinh tế
Hội thảo sơ kết các hoạt động Dự án trên địa bàn tỉnh năm 2019 tổ chức ngày 28.11 đã mang đến cái nhìn vừa khái quát vừa cụ thể về hiệu quả hỗ trợ của Dự án đối với người dân trong tỉnh, nhất là phụ nữ. Theo chị Đỗ Thị Thanh Thủy, Phó Giám đốc HTXNN Hoài Châu (Hoài Nhơn) - đơn vị mới nhất tham gia Dự án, qua 2 mùa vụ, hiện bà con nông dân địa phương rất chuộng mô hình thâm canh lúa cải tiến SRI mà Dự án hướng dẫn, hỗ trợ. Bởi, qua đánh giá cuối vụ cho thấy, năng suất lúa cải tiến SRI cao hơn so với trung bình những vụ trước khoảng 2 - 3 tạ/ha, hiệu quả kinh tế tăng 28%.
Cơ sở sản xuất bánh dừa Thanh Phương (Hoài Thanh, Hoài Nhơn) - nơi đang giải quyết việc làm thường xuyên cho 70 lao động nữ địa phương, đầu năm 2019 đã nhận hỗ trợ khá lớn từ Dự án. Theo đó, Dự án đã hỗ trợ 150 triệu đồng để đầu tư hệ thống máy ngào dừa, giúp tiết kiệm chi phí sản xuất. Theo bà Đặng Thị Phương, chủ cơ sở, từ bước đà quan trọng đó, gia đình đã mạnh dạn đầu tư gần 1 tỷ đồng để mở rộng sản xuất, đa dạng sản phẩm. “Bên cạnh sản phẩm quen thuộc lâu nay là bánh dừa giòn, tuần tới, chúng tôi sẽ khai trương thêm một cơ sở cũng tại xã Hoài Thanh, chuyên về bánh dừa dẻo. Sẽ có thêm lao động nữ ở địa phương vào làm việc, với mức lương ổn định 4 - 5 triệu đồng/tháng”, bà Phương cho hay.
Mục đích Dự án hướng đến chính là nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ trong gia đình lẫn ngoài xã hội. Vấn đề bình đẳng giới sẽ thay đổi tích cực cùng với bước chuyển biến trong khả năng làm chủ kinh tế của phụ nữ.
Liên quan đến hoạt động hỗ trợ DN nhỏ và vừa do nữ làm chủ, đồng làm chủ, tham gia quản lý hay có đông lao động nữ và phát triển chuỗi giá trị dừa, năm 2019, Dự án cũng đã “tiếp sức” cho HTXNN Ngọc An (Hoài Nhơn) trên nhiều mặt. Đó là hỗ trợ thay đổi mẫu chai lọ, bao bì đảm bảo thẩm mỹ và yêu cầu thân thiện về môi trường. Góp phần giúp một số sản phẩm như bánh tráng dừa, dầu dừa đạt danh hiệu Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu; đi vào danh mục “Mỗi địa phương một sản phẩm”, tiếp cận được một số siêu thị ngoài tỉnh… Một số hình thức hỗ trợ thiết thực khác như trang bị bảo hộ lao động và đặc biệt là máy hái dừa, giúp hạn chế nguy cơ mất an toàn từ công việc; hỗ trợ tập huấn kỹ thuật sản xuất thạch dừa…
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho rằng, Dự án được thực hiện trong bối cảnh vấn đề nâng cao vị thế, vai trò về kinh tế cho phụ nữ rất được quan tâm. Cùng với đó là phong trào phụ nữ khởi nghiệp đang lan tỏa. Quá trình triển khai Dự án thêm phần thuận lợi, hiệu quả đậm nét hơn khi phối hợp, lồng ghép với Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp. Gặp gỡ về tinh thần khuyến khích phụ nữ làm nông nghiệp xanh, một số ý tưởng khởi nghiệp cũng đã được tổ chức SNV tặng vốn.
Lợi ích kép
Bên cạnh hiệu quả dễ nhìn thấy là thay đổi tích cực về vai trò kinh tế cho phụ nữ, thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng giới và thúc đẩy thực thi bình đẳng giới trong gia đình và cộng đồng cũng là mục đích mà Dự án hướng đến. Trong quá trình thực hiện, toàn bộ các hoạt động của Dự án đều được khéo léo lồng ghép bình đẳng giới.
Theo đó, trong năm 2019, các hoạt động sinh hoạt đối thoại hộ nòng cốt, sinh hoạt chủ đề “Nam giới chia sẻ việc nhà”… tiếp tục duy trì tại 10 xã và triển khai mới tại 1 xã (Hoài Châu, Hoài Nhơn). 10 Hội thi “Tìm hiểu kiến thức giới, kỹ năng lãnh đạo nhóm và liên kết, hợp tác, sáng tạo trong sản xuất, phát triển kinh tế nông nghiệp” được tổ chức tại 10 xã. Một hình thức tuyên truyền bình đẳng giới mới mẻ, nhẹ nhàng là “Kể câu chuyện bình đẳng giới qua ảnh” (các gia đình tham gia Dự án tự chụp ảnh về chủ đề gia đình, vợ chồng san sẻ việc nhà… và gửi về Ban quản lý Dự án) đã được thực hiện tại Phước Sơn - Tuy Phước, với 213 hộ tham gia. Hàng trăm bức ảnh đời thường giản dị mang thông điệp bình đẳng giới người dân tự chụp đã ra đời. Tin rằng, mỗi khoảnh khắc trong ảnh như một đốm lửa về sự san sẻ, tình chồng vợ, tình yêu gia đình được thắp lên trong lòng mỗi người…
Bà Lê Bích Nga, Điều phối viên Dự án tại Bình Định, nhấn mạnh, mục đích Dự án hướng đến chính là nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ trong gia đình lẫn ngoài xã hội. Vấn đề bình đẳng giới sẽ thay đổi tích cực cùng với bước chuyển biến trong khả năng làm chủ kinh tế của phụ nữ. Qua hơn 3 năm triển khai tại Bình Định, ít nhất tại các địa phương trong vùng Dự án, nhận thức của người dân, nhất là bản thân phụ nữ về hai vấn đề trên của chính mình được chuyển biến, nâng cao. Bà tin tưởng và kỳ vọng, sau khi kết thúc, hiệu quả Dự án tiếp tục được địa phương phát huy.
SAO LY