Nỗ lực khôi phục hệ thống thủy lợi sau lũ
Đợt lũ lịch sử vừa qua đã làm vỡ và sạt lở hàng trăm km đê sông, đê biển, kênh mương, gây sa bồi thủy phá hàng ngàn ha đất canh tác ở các địa phương trong tỉnh. Ngay sau khi nước lũ rút, ngành Nông nghiệp tỉnh và các địa phương đang tập trung mọi biện pháp để sửa chữa, khôi phục hệ thống thủy lợi (HTTL) nhằm kịp thời phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân (ĐX).
HTTL bị thiệt hại nghiêm trọng
Trong đợt mưa lũ vừa qua, hệ thống đê sông, đê biển, kênh mương thủy lợi tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã bị thiệt hại nặng nề. Một số nơi, tình trạng vỡ đê gây sa bồi thủy phá hàng trăm ha đất, ảnh hưởng đến việc sản xuất vụ ĐX sắp đến. Ông Nguyễn Bay, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước, cho biết: “Trên địa bàn huyện có 22 điểm đê sông, đê biển dọc theo tuyến đê sông Hà Thanh, sông Côn… bị vỡ đứt hoàn toàn, khối lượng đất đá, bê tông bị cuốn trôi hơn 56.000 m3. Nghiêm trọng hơn, tuyến đê Đông chạy qua các xã Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thắng đã bị lũ làm vỡ nhiều đoạn, việc đi lại của người dân ở khu vực này rất khó khăn. Tổng giá trị thiệt hại do lũ lụt gây ra đối với các công trình thủy lợi (CTTL) trên địa bàn huyện ước tính trên 19,6 tỉ đồng”.
Tại thị xã An Nhơn, nước lũ làm vỡ đứt nhiều đoạn đê sông Côn qua địa bàn các xã Nhơn Khánh, Nhơn Lộc, Nhơn Hòa, Nhơn Thọ, Nhơn Hưng… Ông Nguyễn Đình Chương, cán bộ phụ trách thủy lợi của Phòng Kinh tế thị xã An Nhơn, cho biết: “Trong đợt mưa lũ vừa qua, trên địa bàn thị xã có hàng chục điểm đê, kè, kênh mương bị hư hại nặng nề; nhiều cống, đập dâng, trạm bơm cũng bị nước lũ cuốn trôi, gây sa bồi thủy phá 214 ha đất sản xuất nông nghiệp. Tổng giá trị thiệt hại sơ bộ ước tính đối với hệ thống thủy lợi trên địa bàn thị xã gần 8 tỉ đồng”.
HTTL ở các huyện Phù Cát, Vân Canh, TP Quy Nhơn, Phù Mỹ… cũng đã bị thiệt hại nặng nề do lũ lụt. Ông Nguyễn Trọng Phủ, Phó Giám đốc Công ty TNHH Khai thác CTTL Bình Định, cho biết: “Trận lũ vừa qua đã làm thiệt hại nghiêm trọng HTTL, kênh mương nội đồng do đơn vị quản lý. Thống kê sơ bộ cho thấy, riêng hệ thống kênh mương nội đồng tại các địa phương đã có trên 70.000 m3 đất đá, bê tông bị nước lũ làm sạt lở, cuốn trôi; nhiều tuyến kênh mương bị bồi lấp rất nặng, cần nguồn kinh phí lớn để sửa chữa. Hiện nay, đơn vị đang tập trung mọi nỗ lực để khôi phục HTTL nhằm phục vụ sản xuất vụ ĐX sắp tới”.
Gia cố tạm để phục vụ sản xuất
Hậu quả của đợt lũ lụt vừa qua gây ra đối với HTTL trên địa bàn tỉnh là rất nghiêm trọng, phải mất nhiều năm mới khắc phục hoàn chỉnh. Vừa qua, trong buổi làm việc với Đoàn công tác của Chính phủ về kiểm tra khắc phục hậu quả lũ lụt ở tỉnh ta, UBND tỉnh đã kiến nghị Chính phủ hỗ trợ tỉnh 50 tỉ đồng để khôi phục HTTL, đảm bảo việc tưới, tiêu, phục vụ sản xuất vụ ĐX 2013 - 2014.
Ngay sau khi nước lũ rút, các địa phương đã tranh thủ sự giúp đỡ của các đơn vị bộ đội, công an và lực lượng thanh niên xung kích, dân quân tự vệ… nhanh chóng hàn khẩu những tuyến đê sông, đê biển, kênh mương nội đồng bị vỡ và sạt lở. Tại các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Vân Canh, TP Quy Nhơn, thị xã An Nhơn hiện có hàng trăm cán bộ, chiến sĩ của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Quân khu 5, Quân đoàn 3... đã về giúp địa phương khắc phục hậu quả lũ lụt.
Ông Nguyễn Bay cho biết thêm: Sau khi lũ rút, Lữ đoàn 573 đã cử 140 cán bộ, chiến sĩ về giúp địa phương khắc phục hậu quả lũ lụt, gia cố các tuyến kênh mương, đê điều trên địa bàn các xã Phước Lộc, Phước Quang. Từ ngày 21.11, huyện cũng đã đề nghị Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Quân khu 5 hỗ trợ thêm 400 chiến sĩ giúp người dân các xã khu Đông khắc phục hậu quả lũ lụt, chống sa bồi thủy phá để giúp người dân yên tâm bước vào vụ sản xuất mới kịp thời vụ.
Hiện nay, Sở NN-PTNT đang tập trung chỉ đạo các đơn vị quản lý thủy lợi phối hợp với các địa phương tổ chức gia cố, hàn khẩu các đoạn đê sông, kênh mương bị vỡ đứt, giúp người dân khắc phục sa bồi, thủy phá để triển khai sản xuất vụ ĐX. Tuy nhiên, do mức độ thiệt hại quá lớn nên việc tu sửa, nâng cấp HTTL chỉ mới dừng lại ở mức độ gia cố tạm thời. Ngành Nông nghiệp đã kiến nghị với Bộ NN-PTNT, Chính phủ hỗ trợ kinh phí để kịp sửa chữa, nâng cấp HTTL trong thời gian sớm nhất...
Theo báo cáo của UBND tỉnh, đợt lũ lụt vừa qua toàn tỉnh có 6 hồ chứa nước bị xói lở đập; 23.842 m đê sông bị vỡ, sạt lở với khối lượng 24.330 m3 đất, đá, bê tông; 3.700 m kè bị sạt lở với khối lượng 1.500 m3; 97.157 m kênh mương bị sạt lở bồi lấp với khối lượng 25.120 m3; 26 đập dâng bị hư hỏng với khối lượng 3.350 m3; 9 trạm bơm bị hư hỏng; 1.130 đập bổi bị cuốn trôi…, gây sa bồi thủy phá gần 3.000 ha đất sản xuất nông nghiệp.
NGUYỄN HÂN