Cụm công nghiệp Phước An: Góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp huyện Tuy Phước
Ðể thu hút các nhà đầu tư, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thời gian qua, UBND huyện Tuy Phước đã tập trung quy hoạch, đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp. Kết quả nổi bật đã được thể hiện ở Cụm công nghiệp Phước An.
Hạ tầng tại CCN Phước An đã đầu tư tương đối hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các DN.
Theo Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tuy Phước, đến nay, Cụm công nghiệp (CCN) Phước An, diện tích 49,5 ha đã được đầu tư hoàn thiện về kết cấu hạ tầng gồm đường giao thông, hệ thống thu gom xử lý nước thải tập trung, hệ thống điện 3 pha… với tổng vốn đầu tư gần 65 tỷ đồng. Hiện, CCN này đã được lấp đầy 100% diện tích, với 19 DN đầu tư, trong đó 17 DN đã đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định. Các ngành nghề đang hoạt động tại đây gồm: Sản xuất, chế biến đồ gỗ xuất khẩu, sản xuất ván ép công nghiệp, đồ nhựa gia dụng, nhựa xốp, nông sản, cơ khí, chế biến đá, sản xuất gạch không nung, may mặc xuất khẩu… Từ đó, góp phần tạo việc làm ổn định cho 1.600 lao động tại địa phương.
“Tuy Phước là vùng phụ cận nằm trong quy hoạch TP Quy nhơn đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Do đó, để đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại, huyện đã tập trung phát triển thêm một số CCN để thu hút đầu tư, tạo việc làm cho người lao động. Thời gian tới sẽ quy hoạch 3 CCN mới ở các xã Phước An (CCN Quy Hội, diện tích 27 ha), Phước Thành (CCN Bình An, 29 ha), Phước Sơn (CCN Kỳ Sơn, 27 ha)”.
Ông Trần Hữu Tường, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước
Ông Vũ Tiến Hiệp, Phó Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tuy Phước, cho biết: “CCN Phước An đi vào hoạt động đã góp phần tích cực cho quá trình phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của huyện Tuy Phước. Thời gian qua, hầu hết các DN tại đây hoạt động khá ổn định, nhất là các ngành nghề sản xuất, chế biến đồ gỗ xuất khẩu, chế biến đá granite, chế biến nông sản. Hàng năm, giá trị sản xuất công nghiệp tại cụm chiếm tỷ trọng từ 28 - 32% tổng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn toàn huyện”.
Một trong những đơn vị đi vào hoạt động sớm ở CCN Phước An là Công ty TNHH Đồ gỗ Nghĩa Tín, chuyên sản xuất, chế biến đồ gỗ xuất khẩu. “Chúng tôi chọn CCN Phước An để đầu tư xây dựng nhà xưởng sản xuất bởi nằm ở vị trí thuận lợi, ngoại vi của TP Quy Nhơn, gần Cảng Quy Nhơn, điều kiện giao thông thuận lợi nhờ kết nối hạ tầng đồng bộ với QL 1A, 19C và đặc biệt là nằm ở địa bàn có lực lượng lao động nông thôn dồi dào. Hàng năm, kim ngạch xuất khẩu của công ty đạt khoảng 10 triệu USD; đảm bảo việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương”, ông Huỳnh Lê Đại Phúc, Giám đốc công ty, cho biết.
Chế biến đồ gỗ xuất khẩu tại một DN trong CCN Phước An.
Ông Phan Khắc Sửu, Chủ tịch UBND xã Phước An, đánh giá CCN Phước An chính là “đòn bẩy” để xã chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm dần tỉ trọng nông, lâm nghiệp, tăng tỉ trọng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Nhờ lực hút từ CCN Phước An, nhiều DN đã đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ trên địa bàn xã, nhất là dọc hai bên tuyến QL 19C. Đến nay, trên địa bàn xã có tất cả 58 DN hoạt động trên các lĩnh vực, tạo việc làm ổn định cho 2.000 lao động. Nhờ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đến nay, tỉ trọng ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, dịch vụ của xã chiếm đến 83%.
Anh Lê Văn Nam, công nhân một nhà máy trong CCN Phước An, chia sẻ: “Ở quê bây giờ nếu chỉ bám vào mấy sào ruộng khoán thì không đảm bảo thu nhập cho cuộc sống gia đình. Từ khi các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn xã và các vùng lân cận mở ra đã thu hút lượng lao động ở nông thôn rất lớn. Tôi làm việc tại một DN mỗi tháng có thu nhập ổn định từ 4 - 5 triệu đồng, lại có điều kiện gần nhà nên rất yên tâm. Ở xã bây giờ đa số lao động đều vào làm việc trong các khu, cụm công nghiệp chứ không còn đi làm ăn xa như trước đây nữa”.
NGUYỄN HÂN