Giữ giống lúa đỏ
Cơm nấu từ gạo giống lúa đỏ của đồng bào Bana, Chăm H’roi ở huyện Vân Canh có đặc điểm dẻo, mềm, thơm ngon. Hỏi chuyện các già làng trong huyện, không ai rõ giống lúa đỏ có từ khi nào, chỉ biết rằng nó được gìn giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Chị Đinh Thị Xuân Bông (bên trái), Chủ tịch Hội LHPN xã Canh Thuận, Vân Canh hướng dẫn bà con cách trồng cây bắp xen canh với lúa đỏ.
Giống lúa đỏ gồm nhiều chủng loại, được trồng theo phương thức chọc trỉa truyền thống. Theo người dân địa phương, giống lúa này mỗi năm chỉ làm được một vụ, bắt đầu trỉa từ tháng 5 - 6, gần đây do ảnh hưởng thời tiết nên thường kéo dài đến tháng 8 - 9, thu hoạch sau 4 - 5 tháng. “Hiện có nhiều giống lúa nước cho năng suất cao và việc trồng cây keo đem lại nguồn thu nhập ổn định, nên mọi người kéo nhau trồng lúa nước và keo, khiến diện tích trồng lúa đỏ ngày càng ít. Nhà tôi vẫn duy trì 5 sào ruộng trồng giống lúa đỏ để có cái cúng tổ tiên, trời đất, vừa để lưu giữ giống lúa quý mà ông bà để lại”, anh Trần Vũ, ở làng Canh Thành, xã Canh Hòa, chia sẻ.
Hiện toàn huyện Vân Canh chỉ còn 3 xã Canh Liên, Canh Thuận, Canh Hòa trồng giống lúa đỏ, với diện tích trồng nhỏ và nằm rải rác nên chưa đem lại hiệu quả kinh tế cao. Lúa giống được bà con lưu giữ, gieo trồng, thu hoạch theo tập quán qua nhiều vụ sản xuất, nên giống này đang dần bị thoái hóa, cho năng suất thấp.
Trước nguy cơ giống lúa đặc sản bị mai một, UBND huyện Vân Canh đã quan tâm chỉ đạo các xã có biện pháp bảo tồn giống lúa đỏ như: Quy hoạch diện tích vườn rừng để lưu giữ giống lúa, hướng dẫn và vận động bà con kỹ thuật canh tác, mở rộng diện tích gieo trồng. Ông Đoàn Văn Mức, Chủ tịch UBND xã Canh Hòa, cho biết: “Chúng tôi đã cử cán bộ khuyến nông xuống hướng dẫn đồng bào cách phơi, sấy khô và bảo quản lúa giống trong kho an toàn để trồng vào mùa vụ sau”.
Mới đây, UBND huyện Vân Canh tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban, địa phương tiến hành xây dựng đề án bảo tồn giống lúa đỏ. Ông Trần Kim Vũ, Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, chia sẻ: “Mong muốn của chúng tôi là phát triển giống lúa đỏ trở thành một thương hiệu có giá trị, giống như giống lúa Ba Chăm của đồng bào Bana ở tỉnh Gia Lai. Để thực hiện hiệu quả việc bảo tồn, phát triển giống lúa này, chúng tôi cần được hỗ trợ thêm từ UBND tỉnh và các sở, ngành”. Theo TS Nguyễn Thị Tố Trân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, để bảo tồn giống lúa đỏ cần phải thu thập, lưu giữ, đánh giá nguồn gen và có biện pháp thúc đẩy năng suất cây lúa.
Nếu có được sự chung tay trên, giống lúa đỏ sẽ có cơ hội “hồi sinh” trong thời gian tới. Và biết đâu, mai này “gạo đỏ Vân Canh” sẽ góp thêm cho Bình Định một đặc sản.
HỒNG HÀ