Chăn nuôi dùng đệm lót sinh học, chế phẩm vi sinh: Tăng hiệu quả kinh tế và giảm ô nhiễm môi trường
Ðược sự hỗ trợ của Hội Nông dân tỉnh, những năm gần đây, nhiều nông hộ trong tỉnh áp dụng mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm bằng đệm lót sinh học, chế phẩm vi sinh, phát huy hiệu quả thiết thực, hướng đến mục tiêu phát triển ngành chăn nuôi bền vững.
Ông Đỗ Thiện Chế, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết: “Nhằm góp phần nâng cao nhận thức người dân để cùng bảo vệ môi trường trong chăn nuôi, hạn chế mùi hôi từ hoạt động chăn nuôi phát tán ra khu dân cư, Hội đã phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh, các cấp hội địa phương xây dựng các mô hình chăn nuôi bằng đệm lót sinh học, sử dụng chế phẩm vi sinh. Hội còn hỗ trợ con giống, thức ăn, thuốc thú y, chế phẩm, chất độn chuồng, tập huấn hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân”.
Mô hình nuôi gà theo hướng an toàn sinh học của ông Nguyễn Thế Kỷ, ở xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước.
Từ năm 2017 đến nay, Hội Nông dân tỉnh đã hỗ trợ xây dựng mô hình chăn nuôi gà trên nền đệm lót sinh học cho 60 hộ nông dân tại 5 xã: Cát Nhơn, Cát Thành, Cát Hải (huyện Phù Cát), Mỹ Lộc (huyện Phù Mỹ), Ân Hảo Đông (huyện Hoài Ân); hỗ trợ mô hình xử lý mùi hôi trong chăn nuôi bằng chế phẩm vi sinh cho 80 hộ nông dân tại huyện Tây Sơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Vĩnh Thạnh.
Nhờ sự hỗ trợ, hướng dẫn của ngành Nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh và Hội Nông dân xã Vĩnh Thịnh, năm 2017, gia đình bà Võ Thị Thúy Phương (thôn An Nội) đã xây dựng mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học, mang lại hiệu quả kinh tế cao. “Nuôi gà bằng đệm lót sinh học giúp gà phát triển nhanh, hạn chế dịch bệnh, ngăn mùi hôi gây ô nhiễm môi trường. Mỗi tháng tôi nuôi 200 con gà theo hình thức gối đầu, sau 90 ngày có thể xuất bán, thu nhập hơn 7 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, tôi cũng đầu tư chuồng trại, nuôi heo bằng đệm lót sinh học, mỗi năm nuôi 20 con và nuôi thêm 6 con bò lai để phát triển kinh tế gia đình”, bà Phương cho hay.
10 năm trước, được Hội Nông dân xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước) tín chấp để vay vốn, ông Nguyễn Thế Kỷ ở thôn Lạc Điền đã chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang quy mô gia trại, nuôi hơn 1.500 con gà ta, 50 con heo nái, heo thịt. Để nâng cao hiệu quả, ông Kỷ nuôi gà theo hướng an toàn sinh học, xây dựng khu chuồng gà cao ráo và trải đệm lót sinh học. “Mỗi ngày tôi thu gần cả triệu đồng tiền bán trứng gà. Đồng thời mỗi năm tôi nuôi thêm 3 lứa heo. Thu nhập từ nuôi gà, heo cũng được hơn 100 triệu đồng/năm. Từ đó, tôi có vốn để tái đầu tư, mở rộng thêm quy mô gia trại, hiện phát triển lên gần 4.000 con gà, 200 con heo. Kinh tế gia đình ngày càng ổn định”, ông Kỷ chia sẻ.
Nhiều hộ nông dân cũng từng bước áp dụng chế phẩm vi sinh trong chăn nuôi bò để xử lý mùi hôi, giúp giảm chi phí, tăng hiệu quả chăn nuôi. Ông Nguyễn Văn Thống ở thôn Phú Hiệp, xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, cho biết: “Năm 2017, Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ mô hình chăn nuôi sử dụng chế phẩm vi sinh AT-YTB cho nông dân địa phương. Thấy mô hình mang lại lợi ích nên nhiều hộ chăn nuôi ở xã chúng tôi đã áp dụng. Với chế phẩm dạng nước, bà con dùng để phun khử trùng chuồng trại. Riêng chế phẩm dạng bột, sử dụng để ủ phân, không dùng cách phơi phân như trước, vừa tốn công lại mất vệ sinh”.
Theo ông Đỗ Thiện Chế, thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh sẽ xây dựng thêm mô hình ứng dụng men vi sinh trong trồng trọt, chăn nuôi để hỗ trợ hội viên, nông dân, hướng đến phát triển ngành chăn nuôi bền vững trên địa bàn tỉnh.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN