Thu hút bác sĩ chuyên khoa Lao, Tâm thần: “Mò kim đáy bể”
Không chỉ thiếu trầm trọng, các bệnh viện chuyên khoa “hiếm” như Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Tâm thần còn phải đối diện với nạn “chảy máu” bác sĩ.
Cần nói rõ rằng, hiện nguồn nhân lực y tế tỉnh thiếu rất nhiều bác sĩ, nhưng căng thẳng nhất vẫn là ở các ngành đặc thù như tâm thần, lao và bệnh phổi, pháp y…
Thiếu bác sĩ trầm trọng
Khoa Bệnh phổi và lao ngoài phổi (Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh) hiện có 50 bệnh nhân/65 giường bệnh. Khoa có 2 bác sĩ thì 1 bác sĩ đang theo học lớp chính trị, còn lại bác sĩ trưởng khoa Lê Tuấn Ngọc, trong khi cần phải có 4 bác sĩ mới đáp ứng được việc điều trị cho lượng bệnh nhân nói trên. Thiếu bác sĩ nên việc phát triển thêm chuyên khoa sâu, bác sĩ học nâng cao chuyên môn cũng khó khăn.
Bác sĩ Lê Tuấn Ngọc vừa phụ trách Khoa Bệnh phổi và lao ngoài phổi (Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh) vừa phải điều trị cho 50 bệnh nhân.
“Chuyên ngành lao kém hấp dẫn đối với các bác sĩ, môi trường làm việc còn nhiều khó khăn, trong khi có thể gặp nhiều rủi ro nghề nghiệp. Đây là những nguyên nhân khiến bệnh viện không đủ sức hút bác sĩ”, bác sĩ Lê Tuấn Ngọc chia sẻ.
Tình hình thiếu hụt nhân sự tại các khoa, phòng khác của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh cũng căng thẳng không kém. Khoa Lao hiện cũng chỉ có 2 bác sĩ, khoa Khám - Cấp cứu - Chỉ đạo tuyến nhập chung cũng chỉ có 6 bác sĩ. Do đó, ca trực chỉ bố trí được 1 bác sĩ, thay vì 2 người. 3 khoa cận lâm sàng chỉ có 1 bác sĩ, quá thiếu nên bệnh viện cũng đành nhập lại thành một khoa.
Câu chuyện thiếu hụt nhân lực bác sĩ ở Bệnh viện Tâm thần cũng trầm trọng đến mức, cách đây vài năm, bác sĩ Châu Văn Tuấn - phụ trách Bệnh viện Tâm thần tỉnh, từng nửa đùa nửa thật: “Sao cũng được, chỉ cần là bác sĩ thì bệnh viện sẽ nhận hết”. Chỉ tiêu bệnh viện khám 2.500 bệnh nhân, nhưng đến tháng 11.2019, con số này đã là 2.700, đạt 107,9%. Chỉ tiêu giường bệnh là 130, nhưng công suất sử dụng giường bệnh luôn vượt, với số giường thực kê lên đến con số 170 giường. Hiện, bệnh viện có 13 bác sĩ, thiếu 8 bác sĩ.
“Chỉ tiêu của chúng tôi là khoa điều trị phải đảm bảo 3 bác sĩ/khoa, nhưng đến nay khoa Điều trị I và khoa Điều trị II chỉ có 2 bác sĩ/khoa, riêng khoa Điều trị III duy nhất 1 bác sĩ trưởng khoa “ôm” 30 bệnh nhân/ngày trong suốt 15 năm nay. Bác sĩ làm việc cũng không thể nghỉ bù, nghỉ phép”, bác sĩ Châu Văn Tuấn nói.
Tự thân vận động
Bác sĩ Châu Văn Tuấn nói thẳng, dù tỉnh có chính sách thu hút nhân lực trình độ cao như bác sĩ, nhưng rõ ràng không bác sĩ nào về các chuyên khoa đặc thù, vì “môi trường làm việc không tốt - công việc nguy hiểm, thu nhập kém, thậm chí không có đến cả lương tăng thêm thì lấy đâu ra sức hút”.
“Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh có 10 khoa, phòng chuyên môn, 140 giường bệnh; điều trị nội trú bình quân 110 bệnh nhân/ngày, cao điểm 170 bệnh nhân/ngày, bệnh nhân khám khoảng 100 người/ngày. Thế nhưng, chúng tôi hiện chỉ có 13 bác sĩ chuyên khoa, trong khi cần gấp đôi số này mới đáp ứng đủ nhu cầu. Gần 20 năm nay, bệnh viện không tuyển được bác sĩ nào về. Thiếu người nên không thể cho bác sĩ nghỉ bù, nghỉ phép; 2 phó giám đốc bệnh viện vẫn phải “tiếp viện” cho các khoa. Cũng ngần đó thời gian không tuyển được bác sĩ, đã có 14 bác sĩ bỏ đi”.
Bác sĩ Châu Văn Tuấn
Việc thiếu bác sĩ gây không ít khó khăn cho hoạt động chuyên môn. Bệnh tâm thần là bệnh chuyên biệt, không thể để bệnh nhân trẻ em điều trị chung với người lớn, bệnh nhân nam - nữ cũng không thể chung phòng điều trị. Thiếu bác sĩ, ngay chuyên ngành tâm thần trẻ em - một vấn đề và là nhu cầu lớn của xã hội, bệnh viện cũng không có bác sĩ điều trị. Tương tự, sức khỏe tâm thần người già đến giờ cũng là “khoảng trống”. Trong khi đó, dự định bao năm qua của Bệnh viện Tâm thần tỉnh là nếu đủ bác sĩ sẽ mở rộng về phục hồi chức năng và tâm thần trẻ em, rối loạn tâm thần do nghiện chất.
Không thể thu hút được bác sĩ, các bệnh viện xác định tự thân vận động và tìm cách giữ chân bác sĩ hiện có. Năm 2019, đã có 2 bác sĩ chuyển công tác từ Vân Canh về Bệnh viện Tâm thần tỉnh. Trong khi đó, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh không có bác sĩ về, dù lãnh đạo đơn vị cũng đã đi các cơ sở đào tạo để “tiếp thị”, kéo sinh viên ngành Y chuẩn bị ra trường, nên phải “gầy” nguồn bác sĩ bằng cách cho y sĩ bệnh viện đi đào tạo bác sĩ. Đến nay, trong số 13 bác sĩ hiện có của bệnh viện, 5 bác sĩ được đào tạo theo hình thức này.
“Chúng tôi cũng đang gặp khó khăn khi quy định bệnh viện tuyến tỉnh không được nhận y sĩ mà phải học chuyển đổi sang cử nhân điều dưỡng, nhưng chuyển sang cử nhân điều dưỡng thì không thể đi thi bác sĩ được”, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Châu Văn Tuấn tâm tư.
MAI HOÀNG